Phát triển nhà ở xã hội cho thuê

VTV Digital-Thứ năm, ngày 19/09/2024 06:27 GMT+7

VTV.vn - Một nội dung quan trọng của Quyết định số 927 được đưa ra, đó là "Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công".

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 927 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Và một nội dung rất quan trọng được đưa ra, đó là "Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công". Thông tin này được thị trường và người lao động hết sức quan tâm, bởi nó không chỉ đa dạng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, mà còn tạo ra nhiều lựa chọn cho người lao động tiếp cận với loại hình này.

Có thể nói, việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại các khu vực đô thị là một mục tiêu rất xác đáng, rất phù hợp trong bối cảnh nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. Thực tế, mô hình nhà ở xã hội cho thuê thì đã được phát triển tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm trước, thông qua các khu nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, hay doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư. Dù còn hạn chế, mô hình này đã và đang đáp ứng nhu cầu rất thiết thực về nhà ở của công nhân, và người lao động thu nhập thấp.

TP Hồ Chí Minh: Nhu cầu rất lớn ở các dự án nhà ở xã hội cho thuê

Phát triển nhà ở xã hội cho thuê - Ảnh 1.

Việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại các khu vực đô thị là một mục tiêu rất xác đáng.

"Tôi mua căn nhà này vào khoảng tháng 1 năm 2020. Thời điểm đó là dọn về, mức giá lúc đó là hơn 620 triệu đồng, mỗi tháng tôi trả góp 6 triệu đồng/tháng. Tôi góp trong vòng 7 năm. Hợp đồng của tôi là hợp đồng 50 năm, thì tôi sử dụng trong vòng 50 năm là tôi hoàn trả lại. Đối với tôi, ban đầu cũng thấy phân vân lắm, có nhiều người tác động. Gia đình cũng nói 50 năm sau giống như mình bước ra không còn gì hết, nhưng suy nghĩ lại với khả năng của mình, với số tiền đó giả sử mình đi thuê nhà trong vòng 50 năm thì nó rất rẻ. Lần đầu đi ký hợp đồng cảm giác là mình không tin được, không tin là mình đã có nhà. Song đến lúc nhận nhà rất là mừng, vừa đủ diện tích cho hai vợ chồng với đứa con, sinh hoạt rất thoải mái", chị Bùi Thị Xuân Thảo - quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Sau 11 năm triển khai mô hình nhà ở xã hội cho thuê, công ty Lê Thành đã đưa vào sử dụng 4.000 căn hộ. Doanh nghiệp cũng đang triển khai xây dựng thêm một dự án khác với gần 3.000 căn hộ.

Hiện có ba cách để người dân tiếp cận nhà ở xã hội là mua, thuê và thuê mua nhưng chủ đầu tư này quyết định lựa chọn hình thức cho thuê, bởi nhu cầu lớn, mà hình thức trả góp hàng tháng cũng nhẹ nhàng hơn với người thu nhập thấp.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành cho biết: "Chúng tôi phải nhờ ngân hàng hỗ trợ về tài chính, chúng tôi là người vay một cục và cho chính khách hàng của chúng tôi vay lại bằng hình thức trả góp. Chúng tôi đưa ra giải pháp quan trọng nhất để người ta có nơi ở ổn định. Giả sử căn hộ đó, chúng tôi cho thuê ổn định 49 năm, người ta được sử dụng 49 năm nhưng trả thời gian dao động 100 tháng ban đầu, người ta trả góp dần dần mới đủ tiền".

Khu công nghiệp Vĩnh Lộc được quy hoạch với diện tích 207ha. Đến năm 2005, sau khi có chủ trương xây dựng khu lưu trú cho công nhân thì chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục pháp lý để tách một phần quỹ đất để triển khai xây dựng theo hình thức cho thuê. Và chủ đầu tư phải mất 4 năm để thực hiện các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, điều này đã được tháo gỡ sau khi luật mới được áp dụng.

Ông Trần Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khu công nghiệp Vĩnh Lộc cho biết: "Khi biết được Luật Nhà ở mới liên quan đến nhà ở xã hội cũng có những phần ưu tiên, không nhất thiết quỹ đất phải nằm trong khu công nghiệp mà có thể bên ngoài, cái đó rất cần sự quan tâm của chính quyền để như thế nào bố trí được những quỹ đất đó".

Hiện khu công nghiệp Vĩnh Lộc khoảng 17.000 lao động, tuy nhiên khu lưu trú mới chỉ đáp ứng cho hơn 1.000 người. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở vẫn còn rất lớn trong khi nguồn cung còn hạn chế, đặc biệt là mô hình nhà ở xã hội cho thuê.

Đa dạng nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội cho thuê

Phát triển nhà ở xã hội cho thuê - Ảnh 2.

Để làm được nhà ở xã hội cho thuê giải pháp quan trọng nhất là phải có quỹ đất. Ảnh: Báo Đầu tư

Có 3 loại hình nhà ở xã hội: bán, thuê mua, và cho thuê thì theo các chuyên gia đánh giá, nhà ở xã hội cho thuê là loại hình khó nhất, nên không hấp dẫn được đầu tư tư nhân. Do đó, việc đầu tư bằng ngân sách, đầu tư công là hiệu quả nhất. Cụ thể, nguồn ngân sách đầu tư thông qua các mô hình đã được luật hóa như: nhà lưu trú công nhân; các dự án nhà ở công nhân do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đầu tư; Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Và để có thể phát triển các loại hình này, các địa phương cần có các giải pháp cụ thể về: quy hoạch quỹ đất, và huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Đại diện Sở Xây Dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, để làm được nhà ở xã hội cho thuê giải pháp quan trọng nhất là phải có quỹ đất. Đặc biệt là các quỹ đất phải gắn với quy hoạch các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong công tác điều chỉnh quy hoạch chung thành phố hiện nay cũng rất chú trọng quỹ đất cho nhà ở xã hội, tập trung ở các quận huyện ngoại thành.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho hay: "Đây là những khu vực đông công nhân và người lao động làm việc, nhất là những khu vực tiếp giáp với các tỉnh thành khác, nơi giao thoa giữa các vùng đô thị, giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai".

Theo đại diện hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, các địa phương hiện có đa dạng nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn viện trợ ODA, nguồn vốn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Hiện, Chính phủ cũng khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay: "Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để thí điểm Quỹ Phát triển nhà ở xã hội được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích quan trọng là phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Cho nên chúng tôi thấy Chỉ thị 34 của Ban Bí thư định hướng phát triển nhà ở xã hội cho thuê được đầu tư bằng ngân sách nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và khả thi".

Theo các chuyên gia, các địa phương cũng cần tạo thêm nhiều cơ chế để thu hút nguồn lực dồi dào không kém từ khối đầu tư tư nhân. Ở đó, chính quyền đóng vai trò "bà đỡ" thông qua việc tạo ra các hành lang pháp lý, cung cấp các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính và thuế, và tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các chủ đầu tư.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam cho rằng: "Để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, chìa khóa là các cơ chế chính sách ưu đãi, không chỉ về tài chính mà nhiều khía cạnh khác. Chẳng hạn, cung cấp khoản vay lãi suất thấp, tăng lợi nhuận định mức, miễn hoặc giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Các thủ tục pháp lý cho loại hình nhà ở quan trọng này cũng nên được rút gọn, đơn giản hóa cho doanh nghiệp".

Ông David Jackson cũng chia sẻ, mô hình phát triển nhà ở xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới dựa trên tinh thần hợp tác và khuyến khích. Nguồn vốn đầu tư dài hạn của Nhà nước, gói trợ cấp lãi suất hay tín dụng sẽ là những điểm cốt lõi để khơi dậy sự quan tâm của doanh nghiệp tư nhân trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nhìn chung, quan điểm về tài chính, nguồn lực cho nhà ở xã hội ở nhiều nước trên thế giới xem việc phát triển nhà ở xã hội như một khoản đầu tư chung, hướng đến cộng đồng. Và hợp tác đối tác công - tư đã được chứng minh là mô hình khả thi để phát triển nhà ở xã hội nhất ở nhiều quốc gia phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước