Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 01/04/2024 09:00 GMT+7

VTV.vn - Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi của nhiều vùng chuyên canh trên cả nước.

Tận dụng thổ nhưỡng để sản xuất hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi của nhiều vùng chuyên canh trên cả nước. Tận dụng những lợi thế về tự nhiên. khí hậu, thổ nhưỡng, người dân nhiều địa phương đã chủ động thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ để có thể gia tăng giá trị cho các sản phẩm, chinh phục người tiêu dùng.

Tại tỉnh Đồng Nai, giống bưởi đường lá cam mang thương hiệu bưởi Tân Triều được chỉ dẫn địa lý nên những năm gần đây được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Nông dân cũng chính thức chuyển sang tổ hợp tác để có giá bán được ổn định.

Ông Phan Ngọc Dũng - Xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết: "Mỗi vùng sẽ có một thổ nhưỡng phù hợp loại cây ăn quả. Vùng đất Tân Triều thuộc vùng đất phù sa, thổ nhưỡng hợp bưởi đường lá cam. Ví dụ, giống này mang đi trồng xứ khác thì vẫn được nhưng năng suất, hiệu quả, hương vị không bằng, giảm xuống".

Tại Đồng Nai, nông dân, doanh nghiệp đang cùng tạo ra những thương hiệu như bưởi Tân Triều, trái cây Long Khánh, ca cao Suối Cát… theo một cách mới để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được bảo hộ. Theo đó, nông dân cùng liên kết đảm bảo sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ với quy mô lớn. Không sử dụng các loại phân bón hóa học gây hại cho đất, thay vào đó là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để chăm sóc ngược lại cho cây.

Ông Trương Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai nhận định: "Sắp tới, định hướng sẽ mở thêm làng du lịch cộng đồng tại Cù Lao – Tân Triều để từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi".

Ông Nguyễn Quang Phương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai chia sẻ: "Đầu tiên, chúng ta áp dụng nhỏ trong vườn của mình. Khi có hiệu quả, chúng ta rút kinh nghiệm, nhân rộng ra. Chúng tôi không hướng dẫn cho bà con cách giống nhau, đây chỉ là một giải pháp để tổ chức thực hiện cho phù hợp với từng loại khu vực đất đai cũng như từng loại cây trồng vật nuôi khác nhau".

Tận dụng được lợi thế tự nhiên tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp đặc trưng đang là điểm nhấn nông nghiệp Đồng Nai. Toàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1.500 ha cây trồng và 23.700 vật nuôi.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Tận dụng được lợi thế tự nhiên tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp đặc trưng đang là điểm nhấn nông nghiệp

Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế

Chủ trương của ngành nông nghiệp là không sản xuất đại trà những sản phẩm mình đang có mà phải sản xuất hàng hóa, tức là tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, điều kiện cần và đủ là phải có quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, xa hơn là hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững.

Ngay từ đầu vụ, 6 sào ruộng lần đầu tiên được máy bay không người lái gieo sạ. Đây cũng là chiếc máy bay không người lái thứ 3 mà Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bầu Kiên đầu tư gần 400 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để sử dụng nó hiệu quả thì 120 ha lúa của HTX đã được quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bầu Kiên, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai nêu ý kiến: "Nhờ chính quyền địa phương kết hợp với phòng Nông nghiệp huyện vận động bà con vào tổ hợp tác làm hiệu quả hơn".

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai cho biết: "Sẽ mở rộng nhiều mô hình cánh đồng tập trung, mời một số doanh nghiệp về địa phương đối với cây trồng như cây sầu riêng, cây lúa trên địa bàn cũng là một trong những cây chủ lực".

5 năm trước, anh Võ Văn Thảo – huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai thiệt hại hơn 7 tỷ đồng vì 300 tấn cá lồng bè bị chết đồng loạt. Còn giờ đây, khi đã chuyển lồng bè về vùng quy hoạch tập trung, anh mạnh dạn thả thêm giống cá mới vì được chính quyền liên tục thông tin như thời tiết, mực nước, kết quả quan trắc chất lượng nước được cảnh báo kịp thời đã hạn chế được thiệt hại.

Ông Vũ Mạnh Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai nhận định: "Công tác quản lý Nhà nước, cảnh giới, cảnh báo về thời tiết thiên tai. Thứ hai là phải quản lý vùng chặt, vùng quy hoạch của ngành và lợi thế vị trí đất đai thổ nhưỡng".

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nhiều địa phương đã sử dụng phương án quy hoạch thành các vùng chuyển canh để tạo ra lối sản xuất hàng hóa. Đây cũng là hướng mở giúp các địa phương liên kết sản xuất, dễ dàng tạo vùng nguyên liệu rộng lớn giúp chế biến sâu và xuất khẩu, nâng cao giá trị cho nông sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước