Hiện các ngân hàng thương mại và người sử dụng thẻ thanh toán quốc tế ở Việt Nam đang phải trả cho các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard từ 3-4 loại phí cho mỗi giao dịch chi tiêu trong nước. Điều này đã đặt ra cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phải phát triển thẻ tín dụng nội địa và thẻ thanh toán trả trước để phục vụ nhu cầu của hàng chục triệu chủ thẻ.
Là một người có thâm niên dùng thẻ ngân hàng, anh Nguyễn Huy Tùng (nhân viên văn phòng) càng ngày càng thấy sự bất hợp lý của các loại thẻ tín dụng quốc tế. "Với những thẻ quốc tế như Visa hay Master Card, mỗi năm tôi phải đóng một khoản phí rất cao, từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm. Nhất là khi đi ra nước ngoài, khi tiêu dùng thanh toán bằng các thẻ này nếu mua một món hàng bằng đồng tiền của nước sở tại, các tổ chức thẻ quốc tế sẽ tính bằng USD nhưng họ sẽ thu 2-3% phí chuyển đổi ngoại tệ. Như vậy, vô hình chung, món hàng tôi mua đắt hơn so với thông thường từ 2-3%. Trong khi đó, với các loại thẻ trong nước, tôi còn được khuyến mại ít nhất 50.000 trong tài khoản" - anh Tùng cho hay.
Tuy nhiên, để thu hút được người dân trong nước sử dụng thẻ thanh toán và thẻ tín dụng nội địa thì các loại thẻ này phải có những ưu điểm nổi trội hơn nhất là về giá, phí so với các loại thẻ quốc tế.
Các loại phí và lãi suất của thẻ tín dụng nội địa sẽ rẻ hơn từ 3-5 lần. Chẳng hạn, phí rút tiền mặt chỉ là 2%, trong khi thẻ quốc tế là 4% cho mỗi lần rút tiền mặt của chủ thẻ. Cộng với những tính năng an toàn, bảo mật hiện đại nhất hiện nay nên những yếu tố này được kỳ vọng là sức hút người dùng của thẻ tín dụng nội địa.
Những tính năng và mức phí rẻ vượt trội của thẻ tín dụng và thanh toán nội địa đã thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị dịch vụ. Bởi việc đưa các loại thẻ nội địa này ra thị trường sẽ đáp ứng nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng trong nước.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho thị trường trong nước với quy mô lên tới 100 triệu dân mà thẻ thanh toán và tín dụng nội địa còn là công cụ hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, cần kíp của người dân khi có nhu cầu cấp bách về vốn. Đây cũng là một giải pháp để hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực ngăn ngừa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!