Đây là mục tiêu mà Tổng thống Nga Putin đã đặt ra và chỉ đạo nội các Chính phủ khẩn trương triển khai các biện pháp thực hiện. Báo chí Nga tuần qua đã gọi tên những "phép màu" có thể đưa kinh tế Nga lọt vào top 4 thế giới trong vòng 6 năm tới đây.
Áp lực từ bên ngoài đối Nga gia tăng trong năm 2023, nhưng nước này đã thích nghi. GDP của Nga năm qua đã tăng 3,6%, nhanh hơn mức trung bình của các nước phát triển. Điều này cho thấy, có cơ sở để người Nga tự tin và quyết tâm tạo ra "phép màu" cho nền kinh tế.
Việc thúc đẩy dòng vốn đầu tư, chuyển đổi thị trường lao động, hiệu quả của khu vực thực tế và phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng sẽ đưa nền kinh tế Nga lọt vào top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Tại phiên họp "Về sự phát triển của nền kinh tế trọng cung" mới diễn ra, Thủ tướng Nga Mishustin khẳng định, cần đảm bảo mở rộng nhanh chóng dòng vốn đầu tư, chủ yếu trong các ngành thâm dụng vốn, vào các dự án có chủ quyền về công nghệ và công nghiệp. Đồng thời, phải chuyển đổi thị trường lao động, tạo ra một hệ thống cho phép đào tạo lại nhân sự linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đang ở mức thấp trong lịch sử là 2,8%.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Nga. (Ảnh: Saint-Petersburg.com)
Theo chuyên trang Kinh doanh Business FM, khối lượng đầu tư vào Nga năm ngoái đã tăng đến 10%, đây là con số kỷ lục trong những năm gần đây. Doanh thu ngân sách vượt quá 29 nghìn tỷ Ruble, cao hơn gần 5% so với năm 2022, trong đó doanh thu phi dầu khí của Nga đã tăng 25% trong năm ngoái.
Chuyên gia của Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân trực thuộc Tổng thống Nga Konstantin Tuzov nhận định, để lọt vào top 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới xét về sức mua tương đương, Nga cần đạt mức tăng trưởng GDP trên 2% trong 6 năm. Điều này có thể đạt nếu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ trợ cấp lãi suất cho các khoản vay. Động lực chính trong điều kiện thay thế nhập khẩu sẽ là sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, phụ thuộc vào hoạt động thế chấp công nghiệp.
Tờ Gazeta cho rằng, Nga có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới thậm chí là trong 2 năm tới. Theo nhà phân tích Sergei Grishunin, quá trình lạm phát ở Nhật Bản có thể dẫn đến giảm GDP của nước này tính theo sức mua tương đương. Khi đó Nga với sự đầu tư đáng kể, sẽ có cơ hội vượt qua nền kinh tế Nhật Bản nhanh hơn dự kiến.
Vượt qua Nhật Bản và đứng vị trí thứ 4 trên thế giới - một nhiệm vụ được xem là tham vọng của nền kinh tế nước Nga. Nhưng theo nhiều chuyên gia, điều này hoàn toàn khả thi nếu tốc độ phát triển kinh tế hiện tại được duy trì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!