Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá Quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng.
"Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trước đó, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tại phiên đấu thầu vào 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng. Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Hôm nay (24/4), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục thông báo tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng gửi các tổ chức tín dụng doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng. Theo đó, tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 2.000 lượng. Thời gian tổ chức đấu thầu vào 25/4.
Tại phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các thành viên thảo luận, làm rõ những nguyên nhân về vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý điều hành giá nhất là giá hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, các hàng hóa đặc biệt (giá vàng miếng, giá nhà chung cư), cũng như chính sách tài khóa, tiền tệ.
Đồng thời đánh giá sát tình hình diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trong nước và quốc tế để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản với những giải pháp điều hành chủ động, kịp thời, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá Quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024
Trong quý II và những tháng còn lại của năm 2024, áp lực rất lớn, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm sau.
Trước hết, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế, qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
"Từng bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.
Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ (tín dụng, lãi suất, tỉ giá) hợp lý góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng...
Các bộ ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến pháp luật về giá, để triển khai, hướng dẫn Luật Giá đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
"Tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!