Phó Thủ tướng: Kiểm soát lạm phát, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế

TTXVN-Thứ năm, ngày 07/07/2022 20:57 GMT+7

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý ngành tài chính tập trung đánh giá để có giải pháp phù hợp đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát không tạo ra cú sốc cho kinh tế.

"Có giải pháp phù hợp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế” là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng: Kiểm soát lạm phát, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện các bộ, ngành, địa phương.

Đảm bảo các cân đối lớn

Điểm qua một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, trong đó, nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với kịch bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (5,1 - 5,7%) và cùng kỳ năm 2021 (5,74%), tương đương bình quân các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,38%), trong đó tăng trưởng GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, Phó Thủ tướng cho biết, sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. So với cùng kỳ năm trước, CPI quý II tăng 2,96%, bình quân 6 tháng tăng 2,44%, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch (6 tháng năm 2018 tăng 3,29%, năm 2019 tăng 2,64%). Đây là cố gắng rất lớn trong kiểm soát lạm phát trong điều kiện lạm phát các nước tăng cao.

"Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã trở thành 1 trong 2 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ "Triển vọng ổn định"; chỉ số chất lượng sống của Việt Nam năm 2022 tăng 39 bậc so với năm 2021", Phó Thủ tướng nêu.

Khẳng định trong thành tích chung đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng dẫn chứng, chưa bao giờ ngành triển khai chính sách tài khóa nhiều như thời gian xảy ra dịch COVID-19 và 6 tháng đầu năm 2022. Các chính sách được triển khai chủ động, tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả, được dư luận đánh giá tốt như chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành, lĩnh vực; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022...

Nêu lên những thách thức đối với nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý toàn ngành cần tập trung đánh giá để có giải pháp phù hợp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không tạo ra cú sốc của nền kinh tế, duy trì hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh cũng như việc làm và thu nhập, đời sống của người dân.

"Không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà tất cả các cấp, các ngành, phải theo dõi sát tình hình, kịp thời ứng phó với những tình huống diễn biến nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đề ra.

Bộ căn cứ vào tiến độ, nhu cầu để xây dựng đề án huy động nguồn vốn xã hội thông qua kênh trái phiếu hoặc bảo lãnh Chính phủ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, hợp lý, sử dụng vốn có hiệu quả.

Phó Thủ tướng: Kiểm soát lạm phát, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Yêu cầu Bộ Tài chính tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý thu; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế...

Lãnh đạo các địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu thuế, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn; có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu.

Bộ Tài chính điều hành chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán được giao, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng, nhất là phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.

"Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Miễn, giảm, gia hạn 45.900 tỷ đồng

Phó Thủ tướng: Kiểm soát lạm phát, không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính, ngân sách nhà nước đề ra. Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước, kịp thời ban hành và triển khai các chính sách tài khóa, cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn khi xây dựng chính sách (135 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng).

Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế đến hết tháng 6/2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, một trong những điểm nổi bật của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm là triển khai hóa đơn điện tử. Đến nay 100% doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử đối với thu thuế.

"Chúng tôi phát huy những việc làm hay, kết quả tốt để sắp tới nhân rộng, biến thành quy định của pháp luật để thực hiện một cách tốt nhất", Bộ trưởng nói.

Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

VTV.vn - Đây là kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 4/7.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước