Chứng khoán Mỹ biến động phiên đầu tháng 10
Đêm 2/10 (theo giờ Việt Nam) - ngày giao dịch đầu tiên trong tháng 10 của Phố Wall đã được đánh dấu với những biến động khó lường ở cả 3 chỉ số chính.
Đáng chú ý là S&P 500 đã có cú "lội ngược dòng" về cuối phiên để trở lại với sắc xanh khi kết thúc giờ giao dịch. Dù vậy, chỉ có 3 trên 11 nhóm ngành của chỉ số này tăng điểm trong cả phiên. Trong khi đó, Dow Jones chốt phiên giảm nhẹ 0,2%, còn chỉ số Nasdaq lại đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Đây là phiên đầu tiên của tháng 10 cũng như quý cuối cùng trong cả năm, sau khi Phố Wall vừa trải qua một tháng 9 với rất nhiều thử thách. Chỉ tính trong tháng 9, cả 3 chỉ số chính đều đồng loạt rơi vào sắc đỏ, trong đó dẫn đầu đà giảm thuộc về Nasdaq khi đi xuống tới hơn 4%. Nếu theo dõi trong cả quý III thì tình hình cũng không có quá nhiều cải thiện, khi cả 3 chỉ số vẫn đi xuống dù có mức giảm nhỏ hơn.
Các yếu tố tác động lên thị trường Mỹ trong quý III
Trong gần 1 thế kỷ qua, tháng 9 đã luôn là tháng tồi tệ nhất với Phố Wall. Cái được gọi là "hiệu ứng tháng 9" này thường được cho là ảnh hưởng mang tính theo mùa, khi các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chốt lời trước khi bước vào giai đoạn cuối năm.
Còn với năm nay, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những "cơn gió ngược" tác động lên tâm lý nhà đầu tư. Trong đó quan trọng nhất, đó là việc thắt chặt tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ cho biết: "Sau giai đoạn đi lên nhờ cơn sốt AI, thị trường đã trở lại với thực tế là lãi suất sẽ cao trong thời gian dài hơn. Chúng tôi dự báo rằng FED sẽ giữ lãi suất ở mức 5,5% hiện nay ít nhất tới quý I năm sau và trong 3 năm tới lãi suất vẫn sẽ cao hơn mức trước đại dịch. Đó là nguyên nhân dẫn đến đà bán tháo thị trường trái phiếu kho bạc trong quý III, đẩy lợi suất 10 năm lên tới 4,7% và kéo chứng khoán đi xuống theo".
Trong gần 1 thế kỷ qua, tháng 9 đã luôn là tháng tồi tệ nhất với Phố Wall. Ảnh minh họa.
Bên cạnh những quyết định từ FED, thị trường cũng phải ứng phó với nhiều vấn đề bất lợi khác như vụ đình công của công nhân ngành ô tô Mỹ hay nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa, dù sau đó đã được tạm trì hoãn tới giữa tháng 11.
Những yếu tố nói trên cũng được dự báo có thể tiếp tục kéo dài ảnh hưởng sang quý này. Các thông tin vĩ mô như báo cáo việc làm vào cuối tuần này cũng như số liệu lạm phát tháng 9 trong tuần sau sẽ là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư những ngày tới.
Báo chí kỳ vọng gì về Phố Wall trong quý IV?
Sau giai đoạn khó khăn của tháng 9, cuối năm thường được kỳ vọng sẽ là lúc mà Phố Wall có thể phần nào "xả hơi". Ước tính trong vòng 1 thập kỷ qua đã có 7 năm mà thị trường Mỹ tăng điểm trong cả tháng 10 - một thông tin khá tích cực với giới giao dịch.
Dù vậy theo báo chí Mỹ, cũng không nên kỳ vọng nhiều ở điều này. Như bài báo này của Marketwatch bình luận, năm nay mọi thứ có thể sẽ khác. Vậy điều gì đang chờ đợi chứng khoán Mỹ trong tháng 10 cũng như giai đoạn cuối năm?
Sau giai đoạn khó khăn của tháng 9, cuối năm thường được kỳ vọng sẽ là lúc mà Phố Wall có thể phần nào "xả hơi". Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ nhận định: "Những tác động từ đình công, nguy cơ chính phủ đóng cửa và cả giá dầu cao có thể kéo tăng trưởng của Mỹ về gần 0%. Cùng với lãi suất vẫn cao, lợi nhuận của các nhà đầu tư có thể chịu ảnh hưởng đáng kể. Nhưng nếu nền kinh tế suy yếu quá nhanh đó có thể là tiền đề để FED có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn vào đầu năm 2024, tạo ra cú hích cho các ngành như công nghệ phục hồi.
Chúng tôi cho rằng, quý cuối năm sẽ chứng kiến nhiều tín hiệu khó lường, kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được suy thoái phút chót, điều này cho thấy rõ hơn về bài toán khó mà FED đang phải đương đầu giữa chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng".
Hiện các chuyên gia nhận định, khả năng FED có thể nâng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay vẫn còn đang để ngỏ, tạo thêm những dự đoán và diễn biến khó lường cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!