Sáng nay (18/12), tại TP Việt Trì, Phú Thọ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Hiệp hội DNNVV Việt Nam) phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn "Hợp tác, liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII", với chủ đề: Thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển.
Tham dự diễn đàn có hơn 400 đại biểu và khách mời thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, VCCI; cùng đại diện lãnh đạo tỉnh, UBND, một số sở, ban, ngành tỉnh Phú Thọ; các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; một số doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ và các tỉnh khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân khẳng định, diễn đàn là một trong những hoạt động thường niên do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì, luân phiên tổ chức tại các địa phương, nhằm gắn kết doanh nghiệp liên kết sản xuất kinh doanh xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Mục tiêu của diễn đàn năm 2019 nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững; tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong việc đưa Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2019 đi vào cuộc sống, sởm giải quyết những vướng mắc của DN trong sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các DNNVV,... mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương...
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu trình bày tham luận đề cập đến những nội dung quan trọng: Hiệp hội của các tổ chức kinh tế - những khía cạnh pháp lý cần tìm lời giải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh các tỉnh PCI; luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mang lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; mô hình bản đồ sinh thái doanh nghiệp; tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển bền vững, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính thủ tục; khởi nguồn đầu tư phát triển kinh tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và nhận diện thương hiệu...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: "Trong hoàn cảnh khó khăn, tỉnh Phú Thọ dồn rất nhiều lực trong hệ thống giao thông, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân phát triển cả chất lượng và số lương đã đăng ký trên 7.900 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp vừa và nhỏ lên tới 7.500, chiếm 95%. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019 là 700, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 650 doanh nghiệp".
Doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp 60% thu ngân sách của tỉnh Phú Thọ cho thấy vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Để có kết quả trên, Phú Thọ xây dựng môi trường kinh doanh năng động nhằm thu hút bằng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung triển khai tiếp cận tín dụng thông qua hoạt động bảo lãnh tín dụng, cố gắng khắc phục thủ tục rườm rà, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn và kết nối doanh nghiệp. Đưa trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động, thực hiện phục vụ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng (chiếm 40% số lượt đăng ký), hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Cung cấp phần mềm kế toán miễn phí, đào tạo miễn phí quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế…
Ngoài việc thu hút đầu tư, tỉnh Phú Thọ còn chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, điện để kết nối doanh nghiệp, tham gia liên kết ngành và chuỗi giá trị. Tỉnh quan tâm chỉ đạo, củng cấp phát triển hiệp hội doanh nghiệp, tạo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để khắc phục khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Rất vinh dự cho Hiệp hội DNNVV Phú Thọ và các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, doanh nhân đất Tổ Hùng Vương được đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác- liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII năm 2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc được bàn thảo các giải pháp mang tính cụ thể với hy vọng thúc đẩy sự bứt phá, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh môi trường kinh doanh của tỉnh Phú Thọ có được như ngày hôm nay là nhờ những chiến lược dài hạn, tính toán khoa học, được xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước
Ông Hải cũng cho biết, từ khi có các văn bản pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ; môi trường đầu tư, kinh doanh ở nhiều địa phương trong nước và ở tỉnh Phú Thọ đã có những cải thiện đáng kể. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 được cải thiện 13 bậc so với 2016; chỉ số hiệu quả logistics tăng 25 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc... Trong xu thế đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Phú Thọ năm 2018 tăng 3 bậc so với năm 2017, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, nhận thấy môi trường kinh doanh của tỉnh Phú Thọ có được như ngày hôm nay là nhờ những chiến lược dài hạn, tính toán khoa học, được xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước. Với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển, hệ thống giao thông đồng bộ, chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới làn sóng thu hút đầu tư vào tỉnh trong những năm qua", ông Hải nói.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng nêu rõ: Năm 2019, tỉnh Phú Thọ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,8%; trong đó khu vực công nghiệp tăng trưởng 11,4% - dịch vụ tăng 7,1%. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,95 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với dự toán. Trong thành tựu ấy của tỉnh có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Thọ đã có đột phá về thu hút đầu tư khi môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; tỉnh có nỗ lực trong công tác quản lý và phát triển doanh nghiệp; sắp sếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Trong năm đã có 800 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 8.100 doanh nghiệp, trong đó có 76% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Thời gian thực hiện các thủ tục thành lập rút ngắn còn 02 ngày; thời gian thẩm định chấp thuận dự án đầu tư được rút ngắn 17 ngày so với quy định. Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 135 dự án đầu tư với số vốn đăng ký tương đương 6000 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án đầu tư nước ngoài. Đó là kết quả đáng phấn khởi của tỉnh, đồng thời là những tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!