Phương án dự kiến của Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

VTV Digital-Thứ hai, ngày 23/09/2024 14:17 GMT+7

VTV.vn - Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá sẽ là một công trình trọng điểm quốc gia mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước.

Nhất quán chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để quyết tâm thực hiện dự án, góp phần mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước.

Việc sớm đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm hiện thực hoá chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, lan tỏa, mở ra không gian phát triển mới; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao với tốc độ 350 km/h.

Do tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án, Ban chấp hành Trung ương đã giao các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật kỹ lưỡng để xin ý kiến Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Cùng với đó là các phương án về một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án, vấn đề áp dụng công nghệ và làm chủ công nghệ để các đại biểu của Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Phương án dự kiến của Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam - Ảnh 1.

Với tốc độ 350 km/h, thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh còn 5h30 phút

Phương án dự kiến của Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá sẽ là một công trình trọng điểm quốc gia mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước. Vậy phương án đầu tư nào cho đường sắt tốc độ cao của Việt Nam? Đây là câu hỏi đang rất được quan tâm.

Từ nghiên cứu, tham khảo nhiều mô hình đường sắt tốc độ cao trên thế giới, phương án đầu tư nào sẽ phù hợp với Việt Nam?

Về tốc độ, tốc độ 350km/h, cự ly ga trung bình 50-70km đang là xu hướng thế giới, được chứng minh là phù hợp và hiệu quả hiện nay. Với tốc độ này, thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh còn 5h30 phút.

Các chặng Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt là 1,3 giờ; 2,7 giờ và 4,3 giờ, nhanh hơn nhiều so với đường sắt hiện hữu và ô tô khách. Thậm chí có chặng ngắn còn nhanh hơn đi máy bay (nếu tính cả thời gian chờ đợi).

Về công năng vận tải, Đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách và hàng hoá nhẹ khi có nhu cầu. Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ chuyên vận chuyển hàng hoá và khách du lịch ngắm cảnh chặng ngắn.

Quy mô đầu tư, tổng chiều dài 1.541km, đường đôi khổ tiêu chuẩn 1435mm. Bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên toàn tuyến có 23 ga khách, cách nhau trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá.

Các chỉ tiêu kinh tế dự kiến của Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, đầu tư toàn tuyến từ Hà Nội và đến TP. Hồ Chí Minh sẽ cho hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, dự án cũng đã được đưa ra nhiều chỉ tiêu về kinh tế, đầu tư trong quá trình xây dựng phương án.

Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43 triệu USD/km, thấp hơn suất đầu tư của Indonesia là khoảng 52 triệu USD/km. Và ở mức trung bình so với các nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp và chi phí thấp khác. Sẽ kêu gọi xã hội hoá đầu tư khu dịch vụ, thương mại tại các ga, doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho Nhà nước.

Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy: đến năm 2030 dự án hoàn toàn đáp ứng 3 tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia; hai chỉ tiêu về trả nợ trực tiếp của Chính phủ và bội chi ngân sách tăng nhẹ. Giai đoạn sau năm 2030 do chưa có các số liệu đầu vào nên chưa có đánh giá chính thức.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP sẽ tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với không đầu tư dự án. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất, khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỷ USD, sẽ góp phần cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Về hiệu quả đầu tư, đường sắt tốc độ cao không chỉ hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng mà còn có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế xã hội, giúp tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, lan toả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Phục vụ phát kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; tối ưu cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí losgictis. Tái cơ cấu các đô thị, tạo cơ hội phát triển cho các địa phương. Tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ, xây dựng, vật liệu và tạo ra hàng triệu việc làm.

Phương án dự kiến của Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam - Ảnh 2.

Trên thế giới, nhiều nước đã và đang triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao

Đường sắt tốc độ cao và hiệu quả kinh tế - xã hội

Trên thế giới, nhiều nước đã và đang triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao, nhằm hướng tới các lợi ích về kinh tế - xã hội và không ít quốc gia đã đạt được những hiệu quả tích cực từ loại hình giao thông hiện đại này.

Là tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, được đưa vào vận hành từ tháng 10 năm ngoái, chỉ sau gần một năm, tuyến đường sắt Jakarta-Bandung trên đảo Java của Indonesia đã nhanh chóng cho thấy một loạt hiệu quả tích cực về mặt kinh tế.

Theo giới chức Indonesia, tính đến đầu tháng 7, đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung đã có tới 4 triệu lượt khách đi lại, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố lớn này từ khoảng 3 giờ đi bằng ô tô xuống chỉ còn 40 phút, trong khi lại giúp tiết giảm đáng kể chi phí nhiên liệu cho người dân.

Ông Erick Thohir - Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhà nước Indonesia cho biết: "Nhờ sử dụng điện năng, chúng tôi ước tính rằng đường sắt tốc độ cao Jakarta - Bandung có thể tiết kiệm khoảng 3.200 tỷ rupiah chi phí nhiên liệu mỗi năm".

Con số trên tương đương khoảng 200 triệu USD. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng công bố nghiên cứu cho thấy, đường sắt tốc độ cao Jakarta - Bandung từ quá trình xây dựng đến khi vận hành, đã đóng góp khoảng 5,3 tỷ USD vào kinh tế các địa phương có đường sắt đi qua.

Những tác động tích cực từ các tuyến đường sắt tốc độ cao đã góp phần thúc đẩy thêm nhiều quốc gia phát triển loại hình giao thông này. Nền kinh tế số một thế giới Mỹ mới vừa khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên mang tên Brightline West, từ Las Vegas tới bang California hồi tháng 4. Giới chức các bang cũng như chính quyền Tổng thống Joe Biden đều lạc quan với hiệu quả kỳ vọng từ tuyến đường sắt này, khi theo ước tính, dự án sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm tại địa phương và góp phần giúp giảm tới 400.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Ông Wes Edens - Chủ tịch công ty đường sắt Brightline nhận định: "Tuyến đường Brightline West sẽ là hình mẫu đầu tiên cho mô hình đường sắt cao tốc hiện đại trên khắp nước Mỹ, với chất lượng hàng đầu thế giới, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi các doanh nghiệp và người lao động Mỹ".

Những dự án đường sắt tốc độ cao cũng góp phần thu hút các kế hoạch đầu tư lớn về hạ tầng và sản xuất. Như tại Mỹ, việc trúng thầu cung cấp đoàn tàu cho tuyến đường Brightline West đã thúc đẩy hãng Siemens mở nhà máy thiết bị đường sắt tốc độ cao tại bang New York - nhà máy đầu tiên tại Bắc Mỹ về lĩnh vực này với vốn đầu tư gần 100 triệu USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước