Theo khảo sát từ IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, đạt 51,1 điểm trong tháng 6 qua, nhờ vào việc tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tiêu dùng nội địa tăng chính là yếu tố giúp thúc đẩy sản xuất tăng trở lại ở một số ngành nghề như: chế biến thực phẩm, y tế, dược phẩm, giấy… Ngoài ra, xuất khẩu một số ngành như: linh kiện điện tử, máy tính… qua các thị trường như Trung Quốc, Mỹ vẫn tăng tốt.
Tiêu dùng nội địa tăng là yếu tố giúp thúc đẩy sản xuất tăng trở lại. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy ở các nước đóng cửa nên đơn hàng được dịch chuyển qua Việt Nam, giúp nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn tăng trưởng sản xuất trong tháng 6.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đây chỉ là trạng thái tạm thời, chỉ số PMI, cụ thể hơn là tăng trưởng sản xuất, chế biến chế tạo của Việt Nam những tháng tới sẽ còn gặp nhiều yếu tố rủi ro. Thứ nhất là tình hình thất nghiệp, mất việc làm ảnh hưởng đến chi tiêu dùng nội địa. Thứ hai là một số thị trường xuất khẩu như Mỹ có thể sụt giảm.
Những tháng tới chỉ số PMI của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều yếu tố rủi ro. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Nếu COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường Hoa Kỳ, nên xuất khẩu của chúng ta từ nay đến cuối năm khó khởi sắc. Vì vậy, nếu như đứng về sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo hướng vào xuất khẩu thì sẽ tiếp tục yếu đi" - ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Do vậy, ông Thành dự báo, chỉ số PMI nửa cuối năm sẽ tiếp tục giữ mức đi ngang so với tháng 6, nghĩa là sản xuất của Việt Nam vẫn có tăng trưởng tốt hơn, nhưng ở mức chưa cao như kỳ vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!