Quản lý các sàn thương mại điện tử thương mại xuyên biên giới: Bài toán khó nhưng cần phải giải

An Khê-Chủ nhật, ngày 01/12/2024 07:55 GMT+7

VTV.vn - Sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã làm gia tăng các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa.

Điều này đặt ra thách thức lớn buộc ngay cả các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng phải siết chặt quản lý các sàn TMĐT này.

Mỹ hạn chế hàng giá rẻ Trung Quốc xâm nhập

TMĐT xuyên biên giới đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Việc giao dịch qua các nền tảng TMĐT quốc tế giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí và thời gian so với các phương thức thương mại truyền thống. Tuy nhiên sự phát triển quá "nóng" của các sàn TMĐT này đang đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều doanh nghiệp tại Mỹ.

Trong thời gian qua, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có những phương án nhằm hạn chế sự xâm nhập của những món hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ nỗ lực hạn chế "việc sử dụng quá mức và lạm dụng" cơ chế cho phép các mặt hàng nhập khẩu có giá trị thấp vào nước này mà không phải đóng thuế, khi lo ngại về các lô hàng từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Cụ thể, trong một nỗ lực điều chỉnh gần đây, các quan chức Mỹ sẽ tìm cách loại bỏ một số sản phẩm khỏi diện miễn thuế, một động thái có thể ảnh hưởng đến phần lớn hàng dệt may và may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo thống kê, trong khi khoảng 140 triệu lô hàng hàng năm được nhập vào Hoa Kỳ theo diện miễn thuế theo mục 321 trong Luật hải quan Mỹ, hay còn gọi là quy tắc tối thiểu (de minimis) vào một thập kỷ trước, con số này đã tăng vọt lên hơn một tỷ lô hàng vào năm ngoái.

Được biết, điều khoản này cho phép các hãng thương mại điện tử Trung Quốc tránh phải trả thuế hay lệ phí với những lô hàng được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu có giá trị dưới 800 USD.

"Các công ty nước ngoài, chủ yếu là các nền tảng thương mại điện tử do Trung Quốc sáng lập, đang giúp hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ", Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Navtej Dhillon cho biết và nhấn mạnh rằng sự gia tăng theo cấp số nhân này trong các lô hàng theo diện miễn thuế de minimis khiến việc thực thi luật pháp của Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, theo quy định miễn trừ, những hàng hóa giá rẻ nhập khẩu sẽ vào Mỹ dễ dàng hơn, có khả năng cho phép các sản phẩm không an toàn và các chất bất hợp pháp tránh được sự giám sát khi chúng vào bên trong nước Mỹ, đẩy người tiêu dùng phải chịu rủi ro lớn khi sử dụng hàng giả kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hàng hóa giá rẻ nhập khẩu theo dạng "de minimis" cũng làm rối loạn số liệu. Theo đó, dữ liệu của Hải quan Mỹ cho thấy ít nhất 37 tỷ USD hàng hóa trong mức chênh lệch này là từ các gói hàng trị giá dưới 800 USD. Tờ Economist tính toán rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cao hơn số liệu chính thức đến 13%, với phần còn lại của thế giới cũng cao hơn 5%.

Để ngăn chặn điều này, chính phủ Mỹ sẽ tìm cách loại một số sản phẩm khỏi danh sách miễn trừ, dự kiến bao gồm các mặt hàng chịu thuế theo Mục 301, công cụ chính mà Mỹ sử dụng để áp đặt thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng các quan chức Mỹ cũng nói thêm rằng các quy tắc chặt chẽ hơn sẽ không chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu từ một quốc gia duy nhất.

Các quan chức Mỹ cũng sẽ tìm cách đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn cho những bên muốn tiếp tục sử dụng điều khoản de minimis, chẳng hạn như các yêu cầu minh bạch thông tin. "Chính quyền đang kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật trong năm nay để cải cách toàn diện điều khoản de minimis", ông Singh cho biết.

Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra Temu

Động thái của EU đối với nền tảng thương mại điện tử Temu của PDD Holdings (Trung Quốc) xuất phát từ lý do không ngăn chặn việc bán hàng hóa bất hợp pháp.

Theo Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của châu Âu, EU muốn đảm bảo rằng Temu tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Đặc biệt là đảm bảo rằng các sản phẩm được bán trên nền tảng này đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và không gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số EU, những nền tảng Internet với hơn 45 triệu người dùng trong khu vực phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn truyền bá thông tin sai sự thật, nội dung bất hợp pháp, nếu không muốn bị phạt tối đa 6% doanh thu toàn cầu.

Phát ngôn viên Temu cho biết công ty sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo luật DSA, đồng thời liên tục đầu tư để nâng cao hệ thống tuân thủ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Temu cũng đang thảo luận để tham gia vào một thỏa thuận tự nguyện do EC tổ chức nhằm chống lại việc bán sản phẩm giả trực tuyến.

Temu là một trong những công ty công nghệ lớn mới nhất bị EU nhắm đến liên quan đến đạo luật DSA trong bối cảnh khối này đang nỗ lực để trở thành tiêu chuẩn về quản lý công nghệ toàn cầu. Các công ty khác cũng đang phải đối mặt với các nội dung đạo luật DSA gồm Meta, AliExpress, TikTok và X.

Trong suốt quá trình điều tra, sàn thương mại điện tử thuộc PDD Holdings của Trung Quốc có thể đưa ra các cam kết để giải quyết những lo ngại của EC, từ đó có khả năng tránh được các hình phạt.

Cuộc điều tra này diễn ra sau khi Temu được EU đưa ra yêu cầu vào ngày 11/10 liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu về cách giải quyết các sản phẩm giả mạo hoặc không an toàn trên thị trường của mình. Vào thời điểm đó, EC đã yêu cầu "thông tin chi tiết và các tài liệu nội bộ về các biện pháp giảm thiểu được thực hiện đối với sự hiện diện của các thương nhân bán các sản phẩm bất hợp pháp" trên Temu.

Kể từ khi PDD mở rộng Temu ra thị trường toàn cầu, nền tảng này đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ. Các đợt bán hàng chớp nhoáng (flash sale), tính năng giống như trò chơi và giá cả hấp dẫn đã thu hút người tiêu dùng ở hàng chục quốc gia trên toàn thế giới.

Đông Nam Á nỗ lực ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ

Quận Bandung, thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia, là một khu vực vốn nổi tiếng với các mặt hàng dệt may như vải batik, vải dệt tay và lụa. Thế nhưng theo bà Neng Wati - quản lý tại xưởng sản xuất hàng dệt may Asnur Konveksi, trong thời gian gần đây, hàng ngàn lao động địa phương đã rơi vào tình trạng không có việc làm và thu nhập ổn định.

Những trường hợp như vậy không phải là hiếm tại Indonesia, và đang dần có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp dệt may. Theo Liên đoàn Công đoàn Nusantara, trong bảy tháng đầu năm 2024, ít nhất 12 nhà máy dệt tại nước này đã ngừng hoạt động, khiến hơn 12.000 công nhân mất việc làm. Thách thức lớn nhất chính là hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Không chỉ Indonesia, các nhóm ngành công nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, hay Malaysia cũng bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất nội địa đã không thể cạnh tranh với làn sóng này và phải chịu thiệt hại lớn về doanh số bán hàng.

Chia sẻ với Bangkok Post, ông Piti Disyatat, Thư ký Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, cho biết "dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của Thái Lan ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc từng ngành, đặc biệt là đồ điện, hàng dệt may và đồ nội thất".

Thực trạng này đã buộc chính phủ nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đẩy mạnh hỗ trợ ngành sản xuất nội địa.

Tại Indonesia, một cuộc biểu tình của công nhân tại Jakarta đã khiến Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan phải tuyên bố rằng chính phủ sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với một số sản phẩm từ Trung Quốc, đặc biệt là hàng dệt may, quần áo, giày dép, đồ điện tử, gốm sứ và mỹ phẩm, để cố gắng bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn tình trạng sa thải lao động.

Bộ trưởng Zulkifli cho biết "Mỹ có thể áp thuế 200% đối với hàng gốm sứ hoặc quần áo nhập khẩu, vì vậy chúng tôi cũng có thể làm như vậy", để đảm bảo các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể "tồn tại và phát triển".

Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này cũng đã triển khai biện pháp khẩn cấp khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu, một sự thay đổi đáng kể so với quy định trước đây khi chỉ thu thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu có giá trên 1.500 baht (44 USD). Chính sách này chỉ có hiệu lực từ tháng 7-12 năm nay để chính phủ có thời gian nghiên cứu vấn đề này trước khi có thể áp dụng các giải pháp dài hạn hơn.

Chính phủ Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban mới để đối phó với tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường trực tuyến và truyền thống, trong bối cảnh hàng Trung Quốc giá rẻ đang gây tổn hại nặng nề cho các doanh nghiệp địa phương.

Tại Malaysia, Bộ Thương mại nước này cũng đang xem xét lại luật chống bán phá giá và có kế hoạch trình lên quốc hội vào năm tới.

Tuy nhiên, song song với đó, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt với một vấn đề khác. Họ cần đảm bảo rằng các biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất trong nước sẽ không tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại với Trung Quốc hoặc các ngành kinh tế khác. Vấn đề cân bằng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc – cũng là sẽ được các quốc gia Đông Nam Á cân nhắc khi ban hành các chính sách siết chặt hàng hóa giá rẻ trên các sàn TMĐT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước