Quy rõ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công

Đặng Tú-Thứ sáu, ngày 08/09/2023 21:21 GMT+7

VTV.vn - Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, nhằm sớm khắc phục tình trạng không ít dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công làm giảm tính hiệu quả của dự án.

Sau gần 2 năm giải phóng mặt bằng, những điểm thi công đầu tiên của gói thầu số 2 thuộc dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua tỉnh Lào Cai mới được triển khai. Đại diện chủ đầu tư cho biết, cách đây gần 1 năm, nhà thầu đã huy động máy móc, nhân lực nhưng lại phải chờ vì địa phương không thể bàn giao được mặt bằng dự án.

"Hiện nhà thầu đã huy động hết máy móc, nhân sự nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm", ông Vũ Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Ban Điều hành Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khu vực Lào Cai, cho hay.

Quy rõ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Trong 8 tháng qua, vốn thực hiện từ nguồn đầu tư công đạt hơn 352.000 tỷ đồng, bằng gần 50% kế hoạch năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua 3 địa phương Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia chiếm 2/3 tổng nguồn vốn. Nếu không có mặt bằng, thời gian thi công bị kéo dài vượt quá thời gian trong hiệp định giải ngân với nhà tài trợ, dự án sẽ không còn vốn để triển khai.

"Chậm giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của địa phương và địa phương đang tập trung tháo gỡ tồn tại này", ông Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai, cho biết.

Có quá nhiều khâu, nhiều cấp, nhiều ngành cùng giải quyết một vấn đề, đây là lý do dẫn đến việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công. Do đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

"Trước hết phải có sự minh bạch trong hệ thống pháp luật, có cơ chế thưởng phạt rõ ràng và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, vốn thực hiện từ nguồn đầu tư công đạt hơn 352.000 tỷ đồng, bằng gần 50% kế hoạch năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh một số bộ, ngành và địa phương có kết quả giải ngân khả quan, vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Đặc biệt, vẫn có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25% kế hoạch vốn.

Địa phương phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95 - 100% Địa phương phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95 - 100%

VTV.vn - Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn, tỉnh Vĩnh Phú đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước