Quyền tự quyết room ngoại - Những ý kiến trái chiều

VTV Digital-Thứ tư, ngày 16/09/2020 06:05 GMT+7

VTV.vn - Room khối ngoại, hay còn là tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, luôn là câu chuyện nóng được thành viên thị trường và nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Room khối ngoại là một trong những tiêu chí giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nếu mở toang ngay lập tức có thể mất cân bằng trong dài hạn, thậm chí nguy cơ thiệt hại nghìn tỷ khi thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như quy định hiện hành. Đề xuất này đang gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.

Hiện với doanh nghiệp đại chúng thông thường, tỷ lệ này là 49%, với các tổ chức tín dụng là ngân hàng, tỷ lệ là 30%, tuỳ thuộc vào ngành nghề kinh doanh không có điều kiện thì doanh nghiệp được chấp thuận mở room lên 100%.

Với quy định mới trong dự thảo về việc nhà đầu tư ngoại có thể tự do tiếp cận mua kịch trần room cho phép tương ứng với từng lĩnh vực, các tổ chức niêm yết không được tạm thời khoá room thì không ít thành viên thị trường là các quỹ, công ty chứng khoán cho rằng, đây là bước đệm cần thiết để Việt Nam có thể nâng hạng thị trường chứng khoán.

Quyền tự quyết room ngoại - Những ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

Khối ngoại khấp khởi trước chính sách "thoáng" hơn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Khi đặt chứng khoán Việt Nam lên "bàn cân" để xét chuyện nâng hạng, còn nhiều lí do để thị trường chưa đủ "sức nặng", từ vấn đề thanh toán, thanh khoản cho đến chuẩn mực công bố thông tin nhưng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài được đánh giá là nút thắt lớn nhất.

Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành Quỹ PXP Vietnam Asset Management, nói: "Tôi khẳng định rào cảon để Việt Nam không được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo MSCI là vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều nhóm ngành trọng điểm. Nếu Việt Nam không tạo điều kiện hơn cho người nước ngoài mua cổ phần, họ bắt buộc phải chọn các thị trường khác".

Triển vọng nâng hạng có thể sáng sủa hơn với Dự thảo mới quy định không cho phép doanh nghiệp tự quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy rằng họ đang tham gia vào 1 sân chơi đang ngày 1 công bằng hơn. Nhất là tại những ngành trọng điểm như ngân hàng, bấy lâu nay 30% vốn đã được coi là 1 tỷ lệ tham gia "eo hẹp" với họ vào các nhà băng, tuy nhiên thực tế còn chật vật hơn khi nhiều ngân hàng thực hiện chính sách "giữ" room ngoại.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Kiến thiết, nói: "Bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng hay ngành tài chính tiêu dùng nói chung thu hút sự quan tâm đầu tiên của NĐTNN khi đầu tư vào Việt Nam. Họ cảm thấy không công bằng khi room ngân hàng chỉ có 30% thôi mà họ mong muốn nhiều hơn tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa cho phép".

Không tự quyết room ngoại: Ngân sách hẹp cửa tăng vốn

Quyền tự quyết room ngoại - Những ý kiến trái chiều - Ảnh 2.

Ảnh: Người lao động.

Theo dự thảo Nghị định mới, các tổ chức niêm yết, ở đây là các ngân hàng không còn quyền tự quyết định việc mở, đóng room thì rất có thể, ngân sách Nhà nước mất đi hàng nghìn tỷ đồng.

Vietcombank bán 15% cổ phần cho Mizuho với giá 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24,1% so với thị giá cổ phiếu VCB trên thị trường.

VietinBank chào bán thành công gần 20% vốn cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ với mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,2% so với giá thị trường của cổ phiếu CTG tại thời điểm ký kết.

BIDV công bố chào bán thành công 15% vốn cho đối tác Keb Hana với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Mức giá này so với thời điểm hai bên bắt đầu ký Thỏa thuận sơ bộ (tháng 8/2017) đã cao hơn 76%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, khi cổ đông chiến lược mua cổ phần là họ kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của ngân hàng.

Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Khi chào bán cho cổ đông chiến lược tỷ lệ lớn, giá trong lĩnh vực ngân hàng giá tốt hơn, ngoài giá đi kèm cả các hỗ trợ kỹ thuật như nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, hỗ trợ triển khai basel 2, ổn định thị trường tài chính. Nếu họ mua đầy room đó thì không còn cơ hội để tìm cổ đông chiến lược gia tăng giá trị cho ngân hàng".

Ngoài ra, tại các ngân hàng có phần vốn Nhà nước, khi thoái vốn lô theo lô lớn cũng là cách để gia tăng ngân sách.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng - Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói: "Việc chúng ta chọn thời điểm bán, đối tác bán thì giá bán của chúng ta cao hơn giá giao dịch trên thị trường như thế Nhà nước với tư cách ngừoi bán cổ phần của mình được lợi hơn là bán cho các cổ đông nhỏ lẻ sẽ có giá thấp hơn".

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, việc bán lô lớn cho đối tác chiến lược cũng là một giải pháp hữu hiệu trong việc tăng vốn cho ngân hàng trong bối cảnh phát hành cổ phiếu mới gặp khó hay tăng vốn bằng lợi nhuận giữ lại thì giá trị không lớn.

Theo các chuyên gia, việc có những quy định cởi mở hơn với việc tiếp cận vốn của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhưng riêng với ngành đặc thù như ngân hàng hay những ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần thì có những quy định bổ sung.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, cho biết: "Mặc dù quy định mới của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, cần phải cân nhắc thêm hoặc có một vài ngoại lệ, một số ngành có có tính chất nhạy cảm để hài hoà lợi ích giữa các bên".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước