Quyết giữ giá, thị trường BĐS "đóng băng" giữa mùa Hè

Hoàng Nga - Anh Nguyên-Thứ ba, ngày 14/07/2020 06:02 GMT+7

VTV.vn - Thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19. Mọi giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường gần như “đóng băng”.

Thị trường bất động sản "đóng băng" nhưng không giảm giá

"Đóng băng ngay giữa mùa hè" - đó là hình ảnh nhiều doanh nghiệp, chuyên gia dùng để nói về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, đặc biệt là thời điểm phải thực thi giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 lây lan.

Nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản đã phải tạm ngừng các hoạt động mở bán, giao dịch. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại phải đóng cửa. Tuy nhiên, nhu cầu về bất động sản trong dân chưa bao giờ nguội lạnh, thậm chí nhiều nơi luôn nóng như nắng mùa Hè gay gắt.

Quyết giữ giá, thị trường BĐS đóng băng giữa mùa Hè - Ảnh 1.

Các dự án bất động sản đã phải tạm ngừng các hoạt động mở bán, giao dịch vì dịch COVID-19.

Những tưởng rằng khi thị trường "đóng băng", nhiều doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý sốt ruột về dòng tiền, dẫn đến việc bán tháo, hạ giá sản phẩm. Nhưng thực tế, giá bất động sản không giảm, mà thậm chí còn tăng ở nhiều dự án.

Như ở Hà Nội, tại trung tâm thành phố, không còn dự án chung cư mới nào ra hàng vào thời điểm này còn có giá dưới 40 triệu đồng/m2. Tại TP.HCM, tình trạng khan hiếm dự án nhà giá trung bình, cũng rất nhiều.

Thị trường bất động sản TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới

So với cùng thời đểm năm 2019, mức tăng trung bình thị trường bất động sản TP.HCM thấp nhất từ 4% đến gần 10% tùy từng phân khúc. Thị trường căn hộ được phân loại thành 4 phân khúc từ bình dân, trung cấp, cao cấp và hạng sang với những mức giá tương ứng.

Cụ thể hơn, thời gian vừa qua, căn hộ bình dân dường như vắng bóng, không có dự án mới. Còn các phân khúc còn lại giá bán mới tại một số khu vực nổi trội.

Ví dụ, tại quận 9 từng là "thủ phủ" của loại hình căn hộ giá rẻ, thì nay mức giá cũng đã leo thang lên phân khúc trung cấp, so với đầu năm 2019, giá đã tăng 10% lên mức 40 - 55 triệu/m2.

Quyết giữ giá, thị trường BĐS đóng băng giữa mùa Hè - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh minh họa.

Cùng phân khúc trung cấp, giá bán tại các quận Bình Chánh, Bình Tân, quận 12 lên 35 - 45 triệu/m2.

Phân khúc cao cấp, nhiều nhất ở quận 7, quận 2, ví dụ khu vực gần Đảo Kim Cương giá đã chạm mức 85 - 90 triệu/m2, cách đây 1 năm cũng chỉ vào khoảng 70 - 80 triệu/m2.

Nằm ở vị trí đắc địa, một vài dự án hạng sang ở khu vực Thủ Thiêm như Empire City, The River giá bán cũng tăng mạnh lên mức từ 150 đến gần 200 triệu đồng/m2.

Tại sao giá bất động sản chưa giảm?

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại trong các tháng đầu năm chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Rõ ràng, do dịch bệnh, lượng người mua không nhiều, nhưng các chủ đầu tư vẫn cương quyết neo giá bán nhà ở mức cao.

Theo các chủ đầu tư lý giải, nếu lựa chọn giữa việc đưa giá hợp lý để bán được hàng, so với việc găm giá cao, nhưng "ngâm hàng", "ế hàng" không bán được, tất nhiên doanh nghiệp đều muốn bán hàng với hợp lý để thu được vốn nhanh. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp muốn giảm giá bán cũng khó.

Quyết giữ giá, thị trường BĐS đóng băng giữa mùa Hè - Ảnh 3.

Do dịch bệnh, lượng người mua không nhiều, nhưng các chủ đầu tư vẫn cương quyết neo giá bán nhà ở mức cao. Ảnh minh họa.

Thủ tục kéo dài, vướng mắc pháp lý, kham hiếm quỹ đất chính là những nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm. Tại TP.HCM, báo cáo của Công ty tư vấn JLL cho biết, nguồn cung căn hộ trong quý II là 3.820 căn, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình hàng quý trong giai đoạn bùng nổ 2017 - 2018.

Còn tại Hà Nội, công ty CBRE cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chỉ ghi nhận 7.200 căn mở bán mới, giảm 65% so với cùng kỳ.

Thị trường đang tồn tại nghịch lý: Dù "kiên quyết" giữ giá, các chủ đầu tư cũng buộc phải tung ra hàng loạt các chương trình kích cầu mua nhà như chia nhỏ các khoản tiển phải nộp, kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất mua nhà 0%, chiết khấu trực tiếp giá bán, tặng vàng, tặng xe khi mua nhà.

Theo các chuyên gia trên thị trường, đây là đợt kích cầu lớn chưa từng có trên thị trường bất động sản trong suốt 10 năm qua. Lác đác trên thị trường mua đi bán lại, vẫn có nhiều nhà đầu tư phải rao bán cắt lỗ nhà, đất, căn hộ, do gặp khó khăn về tài chính.

Giải pháp "phá băng" thị trường bất động sản cuối năm

Thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều "nghịch lý" trong 6 tháng qua. Bên cạnh vấn đề cung - cầu, một vấn đề được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là thị trường đang quá thiếu nguồn cung bất động sản giá trung bình, phù hợp với đại đa số của người dân.

70 - 80% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2, nhưng nguồn cung này chỉ đáp ứng được 20 - 30%. Theo các chuyên gia, làm thế nào để tăng cung nhà ở giá trung bình chính là giải pháp lớn nhất để giảm hàng tồn kho, "phá băng" cho thị trường hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, muốn tăng nguồn cung bất động sản, trước hết phải dần dần "phá băng" các quy trình, thủ tục pháp lý đang làm khó doanh nghiệp.

Quyết giữ giá, thị trường BĐS đóng băng giữa mùa Hè - Ảnh 4.

70 - 80% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2, nhưng nguồn cung này chỉ đáp ứng được 20 - 30%. Ảnh minh họa.

Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố dự thảo Nghị quyết ưu đãi xây nhà thương mại giá thấp, giá dưới 20 triệu đồng/m2, với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Ví dụ như: Giảm 50% tiền sử đụng đất, cho vay với lãi suất 7 8%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, các đề xuất cần sớm biến thành hiện thực.

Còn về diễn biến của các nhà đầu tư trên thị trường, các chuyên gia cho rằng, sau động thái cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay sẽ là cơ hội cho dòng tiền có thể chảy vào bất động sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước