Thị trường địa ốc trực tuyến khởi sắc ở phân khúc bất động sản công nghiệp

Trịnh Huyền-Thứ hai, ngày 13/07/2020 19:02 GMT+7

VTV.vn - Trong 3 tháng 4-5-6, hoạt động của thị trường địa ốc trực tuyến khởi sắc trở lại với lượt tìm kiếm tài sản tăng cao ở nhiều phân khúc.

Quý II, các thủ phủ công nghiệp phía Bắc lẫn phía Nam đều ghi nhận lượt tìm kiếm trên thị trường online tăng 130 - 260%.

Trên các sàn online, lượng tìm kiếm bất động sản công nghiệp quý II tăng 32% so với mức trung bình toàn thị trường kể từ tháng 6/2019 đến nay. Nếu xét theo từng địa bàn, chỉ số này đang lập kỷ lục mới. Cụ thể, khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Đồng An (Bình Dương) có lượt tìm kiếm tăng 132 - 173%, khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP HCM) tăng 175% lượt tìm kiếm.

Thị trường địa ốc trực tuyến khởi sắc ở phân khúc bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.

Lượng tìm kiếm bất động sản công nghiệp quý II tăng 32% so với mức trung bình toàn thị trường.

Tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) lượng tìm thông tin tài sản này vọt lên 243% và khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) có lượt tìm kiếm lên tới 260%, cao nhất so với các thủ phủ công nghiệp khác.

Song song đó, mức độ quan tâm bất động sản nhà ở quanh các khu công nghiệp tại Bình Chánh (TP HCM), Hồng Bàng (Hải Phòng), Việt Yên (Bắc Giang), Bắc Tân Uyên (Bình Dương) lần lượt tăng 25%, 42%, 76% và 88%.

Theo đánh giá của đơn vị này, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất trong nửa đầu 2020 nhưng do COVID-19, khiến các giao dịch trực tiếp bị trì hoãn. Điều này dẫn đến sự bùng nổ lượng tìm kiếm online như bước đệm chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.

Thị trường địa ốc trực tuyến khởi sắc ở phân khúc bất động sản công nghiệp - Ảnh 2.

Bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nhà sản xuất quốc tế.

Trong báo cáo diễn biến thị trường bất động sản công nghiệp mới nhất vừa công bố, Jones Lang LaSalle (JLL) cũng nhận định, mặc dù đại dịch gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp nhưng xét ở tầm nhìn dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nhà sản xuất quốc tế. Đây là tín hiệu đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang thị trường lân cận ít rủi ro hơn.

JLL dự báo, thành công của công tác phòng chống dịch cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra mạnh mẽ, bất động sản công nghiệp Việt Nam hứa hẹn chiếm vị thế cao trong cuộc đua thu hút các nhà sản xuất so với những quốc gia khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước