Mỗi năm, ngân hàng BIDV mở thư tín dụng L/C cho gần 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việc rà soát lại hồ sơ từ cách đây 10 năm sẽ khiến khối lượng công việc của mỗi nhân viên tăng thêm đáng kể.
Ngoài ra các ngân hàng cho biết, thư tín dụng gồm 2 dạng, một là hình thức ngân hàng không cam kết bảo lãnh thanh toán, chỉ cung cấp dịch vụ thông báo, chuyển nhượng L/C xuất khẩu, thì đã kê khai, nộp thuế đầy đủ. Còn dạng thứ hai là ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nếu trong trường hợp người mua không trả tiền cho người bán, ngân hàng phải đứng giữa trả thay. Các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Sở dĩ ngành thuế yêu cầu các ngân hàng phải rà soát lại, vì theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng 2010 quy định: "Thư tín dụng là dịch vụ thanh toán". Là dịch vụ thì phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng, từ năm 2010, các ngân hàng đã xin hướng dẫn từ Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính xác định thư tín dụng bản chất là bảo lãnh thanh toán quốc tế, do đó, các khoản thu về phát hành, xác nhận, bảo lãnh không chịu thuế giá trị gia tăng. Chính sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khiến các đơn vị lúng túng khi thực thi.
Nhiều ngân hàng cũng bày tỏ lo ngại, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, nghĩa là sau khi rà soát, nếu phải nộp thuế, ngân hàng sẽ phải truy thu lại từ DN. Điều này là khó khả thi. Trường hợp không thu được từ DN, ngân hàng buộc phải trích tiền ra để nộp thuế, như vậy lại không đúng với bản chất của thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn thống nhất về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!