Ràng buộc nhiều hơn trách nhiệm của sàn thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ ba, ngày 29/06/2021 06:03 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp TMĐT sẽ có thêm trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cá nhân kinh doanh; Phải cung cấp dữ liệu, tăng tính chịu trách nhiệm với tình trạng hàng giả...

Quản lý thương mại điện tử như thế nào cho hợp lý? Vấn đề một lần nữa thu hút sự chú ý khi Thông tư 40 về quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính mới ban hành, trong đó quy định doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử sẽ có thêm trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn.

Trước những ý kiến trái chiều từ giới kinh doanh lo ngại về tính khả thi cũng như thời gian hiệu lực của Thông tư từ 1/8 là quá gấp gáp... Trong những ngày qua, Tổng Cục Thuế phát đi thông báo mới cho biết việc thực hiện sẽ diễn ra có lộ trình từ đây đến cuối năm, chứ không phải áp dụng ngay từ ngày 1/8 tới cũng như khẳng định tinh thần không gây khó khăn, cản trở hoạt động của các sàn.

Ràng buộc nhiều hơn trách nhiệm của thương mại điện tử

Ràng buộc nhiều hơn trách nhiệm của sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Thông tư 40 của Bộ Tài chính – Thêm trách nhiệm về thuế

Tổng Cục Thuế đưa ra lộ trình trước ngày 1/10 năm nay sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện, trình ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin với các sàn thương mại điện tử.

Từ 1/10 đến hết năm 2021, Tổng cục Thuế và các sàn sẽ nâng cấp ứng dụng để kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Bắt đầu từ 1/1 năm 2022, các chợ trực tuyến chính thức kết nối thông tin với cơ quan thuế.

Việc quy trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cá nhân kinh doanh cũng như cung cấp dữ liệu, theo Tổng Cục Thuế, sẽ tiết kiệm nhiều thời gian công sức cho người nộp thuế.

Chị Đặng Khánh Linh - Người bán hàng trực tuyến mỹ phẩm, cho biết: "Tôi thấy việc sàn thu hộ thuế cho cơ quan thuế tôi thấy là một điều rất tiện. Những nhà bán hàng như tôi sẽ không phải lo về thủ tục, giấy tờ, những điều đó sàn đã lo rồi, tôi thấy rất là tiện".

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ Trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng Cục Thuế, nhận định: "Theo quy định của Luật Quản lý Thuế 38, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý thuế cùng với cơ quan thuế và cơ quan thuế cũng có quyền yêu cầu các tổ chức cá nhân cung cấp dữ liệu thuế. Sàn TMĐT theo Nghị định 52 cơ bản có sẵn các dữ liệu này.

Trong văn bản góp ý Thông tư 40 gửi Bộ Tài chính trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng yêu cầu các sàn cung cấp thông tin cho cơ quan thuế là phù hợp với Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên việc quy trách nhiệm cho các sàn là đầu mối kê khai nộp thuế thay cá nhân kinh doanh lại mâu thuẫn với Luật Thuế thu nhập cá nhân, bởi sàn không phải là đơn vị trả thu nhập cho người bán.

Dự thảo sửa Nghị định 52 của Bộ Công Thương – Tăng trách nhiệm của sàn với hàng hóa, cung cấp dữ liệu

Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về quản lý thương mại điện tử của Bộ Công Thương qua 2 lần chỉnh sửa, đến nay vẫn đang gây nhiều quan ngại sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và môi trường đầu tư thương mại điện tử. Dự thảo có nhiều nội dung được nhận định sẽ gây rào cản phát triển của ngành như yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp công cụ tra cứu dữ liệu; thêm điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; hay các sàn phải chịu trách nhiệm liên đới về hàng hóa cả trong và ngoài nước.

Ràng buộc nhiều hơn trách nhiệm của sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)

Theo Cục Thương mại điện tử Kinh tế số, sau khi tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia, dự thảo đã bỏ đi một số nội dung như quy định gây tranh cãi "sàn thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai, khấu trừ thuế"; "Công ty công nghệ uy tín toàn cầu mới được tiếp cận thị trường"... Dự thảo vẫn đang trong quá trình phê duyệt và có thể sẽ còn chỉnh sửa tiếp tục.

Điểm chung toát lên của các văn bản là tăng - thêm trách nhiệm của sàn. Ngành thương mại điện tử đang tăng trưởng nóng hai con số mỗi năm, giá trị ngành thì ngày càng lớn, hết năm ngoái đã lên đến 12 tỷ USD thì  cũng bộc lộ rõ hơn những căn bệnh trầm kha của thị trường như tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng xâm hại đến quyền lợi người dùng. Dễ thấy nhất là gần đây một loạt các kho hàng lậu, không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường triệt phá. Từ kho đến thẳng tay người mua thông qua bán hàng livestream trực tiếp qua mạng xã hội. Doanh thu có thể  khiến không ít người giật mình, có trường hợp 1 kho thu về đến 650 tỷ đồng trong 2 năm. Nguy cơ thất thu thuế rõ là có, không ít cá nhân kinh doanh có thu nhập cao nhờ các kênh trực tuyến, nhưng không phải ai cũng tự giác kê khai thuế.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành Khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, cho rằng: "Cần quản lý theo phương pháp quản lý rủi ro, chứ không phải theo kiểu duy ý chí là đưa rủi ro về 0. Đối với những ngành hàng, nhóm người có rủi ro cao thì cần những biện pháp theo dõi chặt chẽ riêng, còn phân đông còn lại không vấn đề thì cũng không nên chịu những quy định quá chặt. Những quy định chặt chẽ như vậy cần được soạn thảo theo hướng phân biệt mức độ rủi ro đối với từng nhóm, còn hiện chưa có cách tiếp cận này".

Còn ông Nguyễn Quang Đông, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, nhận định: "Sàn TMĐT là một bên phối hợp, chứ không phải là đầu mối trách nhiệm. Họ có thể đáp ứng nhu cầu kết nối, cung cấp thông tin trên dữ liệu sẵn có. Tuy nhiên việc này phải được thực hiện theo một trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ chứ không phải cơ quan quản lý có thể đơn phương ra yêu cầu, mệnh lệnh là sàn phải làm việc này việc kia. Đây là nguyên tắc để xử lý mối quan hệ này.

Các biện pháp kiểm soát thương mại điện tử trên thế giới

Những tranh luận, phát sinh trong chính sách quản lý các ngành công nghiệp mới như thương mại điện tử cũng xảy ra tại nhiều nước phát triển, đi trước chúng ta chứ cũng không riêng gì với Việt Nam. Sau đây là kinh nghiệm quản lý đối với các sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Ràng buộc nhiều hơn trách nhiệm của sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Ảnh: Bloomberg

Các sàn thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới như eBay, Amazon và Bestbuy đều đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế giá trị giá tăng) đối với từng đơn hàng thay cho người bán trên sàn của mình và sau đó thay họ nộp vào ngân sách.

Ví dụ với riêng mình sàn eBay, từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 44 cơ quan thuế các nước yêu cầu eBay thực hiện nghĩa vụ này.

Tại các nền kinh tế phát triển như Anh, Đức, Australia hay Mỹ, cơ quan thuế đã triển khai các biện pháp thu thuế doanh thu thông qua các sàn điện tử từ năm 2018. Bởi khi người mua thực hiện mua hàng từ người bán ở nước ngoài, thì giao dịch này phải thuộc đối tượng chịu thuế ở nơi tiêu thụ (nơi người mua ở).

Tại Trung Quốc, bên cạnh nghĩa vụ thu và nộp thuế hộ cho người bán, các sàn thương mại điện tử còn phải xuất hoá đơn cho khách hàng, đồng thời khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin thuế có liên quan cho cơ quan thuế và những thông tin này phải được lưu trữ trong tối thiểu 3 năm.

Trước áp lực yêu cầu xác minh tính xác thực của các sản phẩm từ Quốc hội Mỹ, Amazon đã chặn niêm yết 10 tỷ sản phẩm bị nghi hàng giả trong năm ngoái. Công ty cũng đầu tư khoảng 700 triệu USD vào các sáng kiến chống hàng giả, bao gồm cả công nghệ học máy

Ngày 25/5 vừa qua, đạo luật điều tiết hoạt động quảng cáo livestream của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Quy định mới yêu cầu các nền tảng phải thực hiện tính xác thực và hợp pháp của cả hàng hoá và nội dung livestream.

Mới đây nhất, Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh CMA của Anh tiến hành điều tra về cáo buộc Amazon đã không hành động thoả đáng trong việc xử lý các đánh giá giả về sản phẩm trên trang web của họ.

Mới đây Tiki, 1 trong top 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất thị trường hiện nay vừa huy động thêm 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu để tiếp tục bơm vốn đầu tư kho bãi, cho các công ty con và hoạt động marketing. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh "đốt tiền" để tăng trưởng giữa các sàn thương mại điện tử vẫn chưa hạ nhiệt, mỗi doanh nghiệp đầu ngành đều lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng. Thị trường mới nổi sẽ phát sinh nhiều yêu cầu quản lý mới, nhưng trong lúc các doanh nghiệp vẫn chịu sức ép cạnh tranh khắc nghiệt, giới chuyên gia cho rằng các quy định cần sát thực tiễn và lộ trình thực hiện phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước