738 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng chỉ chiếm 13% trong tổng số 5.700 điều kiện kinh doanh hiện hữu. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh trước 31/10/2018.
Chính vì vậy, Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, việc hoàn thành mục tiêu này là thách thức rất lớn và những rào cản cũng rất lớn.
Các yếu tố cản trở việc hoàn thành mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh gồm:
"TRÊN NÓNG DƯỚI LẠNH"
Tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn còn phổ biến trong thực hiện chủ trương cắt giảm điều kiện kinh doanh là nhận xét của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp đánh giá gần đây.
Đến hết quý II/2018, chỉ có Bộ Công Thương xây dựng Nghị định theo hướng cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, còn lại hầu hết đều chưa trình Chính phủ dự thảo các Nghị định. Thậm chí, có Bộ còn chưa xây dựng dự thảo như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông...
MẤT THỜI GIAN DO NHIỀU ĐIỀU KIỆN ĐÃ ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế có nhiều điều kiện kinh doanh đã được "luật hóa", quy định trong các văn bản luật. Do đó, việc cắt giảm các giấy phép "con" này đòi hỏi quy trình phức tạp, vượt trên thẩm quyền của Chính phủ khiến thời gian cắt giảm điều kiện kinh doanh bị kéo dài, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ thực hiện mục tiêu này.
NGUY CƠ NẢY SINH CÁC ĐIỀU KIỆN KINH DOANH MỚI
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành từ Đại học Fulbright nhận xét, quyền tự quyết của các bộ, ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là khá lớn vì khi được chủ động, các bộ sẽ dễ dàng đề xuất bỏ hay không các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình. Do vậy, không loại trừ khả năng việc cắt giảm chỉ mang tính cơ học, đối phó, thậm chí sau đó phát sinh các điều kiện kinh doanh mới, "núp bóng" dưới các văn bản luật chứ không đi vào thay đổi bản chất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!