Rục rịch trở lại sau giãn cách, lo cơ chế "đánh đố" doanh nghiệp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 27/09/2021 21:03 GMT+7

VTV.vn - Hơn 80% DN đồng tình với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Nhưng để giúp DN thực sự phục hồi và phát triển cần thêm các cơ chế linh hoạt và tự chủ hơn.

Phục hồi sản xuất kinh doanh

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực.

Song song với việc kiểm soát dịch là câu chuyện về phục hồi sản xuất kinh doanh. 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tỷ trọng chiếm gần 70% tổng thu ngân sách. Chính vì vậy, trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh đã tổn thương nặng nề. Khối doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài đều khó có thể chịu đựng thêm.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Sau đợt giãn cách lần thứ tư, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Có khoảng 20% các đơn hàng đã chuyển sang các nước khác khi đợt dịch này diễn ra đúng vào thời gian cao điểm sản xuất và giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

8 tháng đầu năm nay, có tới 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 360 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, sau mỗi đợt dịch thì số lượng doanh nghiêp mới thành lập, quay trở lại hoạt động cũng gia tăng.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 114.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 14.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Hỗ trợ cơ chế cho doanh nghiệp

Hoạt động của doanh nghiệp đang bắt đầu được phục hồi trở lại sau những nới lỏng giãn cách và dự báo sẽ nhanh chóng đi vào ổn định. Một trong những tác động tích cực chính là các chính sách, nghị quyết của chính phủ.

Ví dụ, với Nghị quyết 105, có tới hơn 80% số doanh nghiệp cho biết nghị quyết này đã và đang giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là về lãi suất ngân hàng, giãn nợ thuế, giảm giá thành sản xuất... Đây là những hỗ trợ rất kịp thời, tuy nhiên để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, hiệu quả và bền vững sau đại dịch vẫn cần thêm các cơ chế linh hoạt, rõ ràng, cụ thể.

Rục rịch trở lại sau giãn cách, lo cơ chế đánh đố doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hoạt động của doanh nghiệp đang bắt đầu được phục hồi trở lại sau những nới lỏng giãn cách. (Ảnh minh họa: Ảnh: PLO)

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép các địa phương và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp. Với doanh nghiệp có hơn 1.000 công nhân nghỉ gần 3 tháng qua thì đây là thông tin được mong chờ, nhưng khi xét các tiêu chuẩn theo mô hình mới: Công nhân phải xét nghiệm 2 lần âm tính, ở tập trung trong nhà máy 3 ngày, sau lại xét nghiệm tiếp thì cũng khó với doanh nghiệp.

Chính phủ đã mở ra cơ chế nhưng trong quá trình thực hiện, địa phương hoặc chậm đưa ra các mô hình cụ thể, hoặc các tiêu chí đưa ra đang đánh đố doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, 2/3 số doanh nghiệp hội viên đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng chưa có doanh nghiệp nào thuộc diện được thí điểm phương thức sản xuất phù hợp. Doanh nghiệp hy vọng việc xây dựng các chính sách cần tính đến việc nương sức doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Với hơn 18 nhà máy tại 7 địa phương, Công ty May 10 cũng đang rất lo lắng với dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật bảo vệ môi trường có quy định về giấy phép môi trường sẽ là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp chỉ có thể dồn sức cho sản xuất khi an tâm với những cơ chế rõ ràng, cụ thể và có thể tiếp cận được. Bản thân các doanh nghiệp cũng xác định rõ nếu không đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng không thể sản xuất. Vì vậy, đi kèm với sự tự chủ là trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp đối với sản xuất an toàn.

Doanh nghiệp vận tải TP Hồ Chí Minh gặp khó với quy định mới

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà các doanh nghiệp vận tải cũng đang gặp nhiều khó khăn với các quy định mới trong lưu thông. Ví dụ, trên một cung đường chở hàng qua nhiều địa phương nhưng mỗi địa phương lại đưa ra những yêu cầu về ra vào khác nhau... khiến vận tải bị ách tắc, hàng hóa không thể lưu thông. Khi vận tải ách tắc thì chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy là điều không thể tránh khỏi.

Tại TP Hồ Chí Minh, để giải quyết vấn này, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí hoạt động an toàn để dần mở cửa trở lại, trong đó có hoạt động vận tải, doanh nghiệp nào đáp ứng được thì hoạt động, nếu không sẽ phải dừng hoạt động. Thế nhưng tính khả thi của các tiêu chí lại đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn.

Là chủ một doanh nghiệp sở hữu và quản lý hàng nghìn xe tải nên ngay khi TP Hồ Chí Minh ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn, ông Lê Hoàng Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Ecotruck - đã khá lo lắng vì để đáp ứng đầy đủ theo bộ tiêu chí mới đồng nghĩa là doanh nghiệp vẫn tốn hàng tỷ đồng xét nghiệm. 

Rục rịch trở lại sau giãn cách, lo cơ chế đánh đố doanh nghiệp - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vận tải TP Hồ Chí Minh gặp khó với quy định mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Để được mở lại hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vận tải hành khách còn khó gấp đôi doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Bởi để được tái hoạt động, họ cần đáp ứng đầy đủ đến 10 tiêu chí. Trong đó, có những tiêu chí gần như đánh vào điểm yếu nhất của doanh nghiệp.

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi thấy doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ tiêu chí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì bộ tiêu chí này rất khó. Xe khách mà chỉ hoạt động 50% công suất, chỉ có hòa vốn hoặc lỗ. Cái tiêu chí 8 về thanh toán không dùng tiền mặt chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm vì hiện nay tuyến cố định, xe bus, xe taxi là khó khăn, do đó chúng tôi đề nghị thời điểm này cần dời lại".

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng một số tiêu chí không rõ ràng, khó hiểu. Hơn nữa, hoạt động vận tải nói chung mang tính chất liên tỉnh nên mong mỏi có một bộ tiêu chí chung trên cả nước. Hoặc ít nhất nên tính đến liên kết vùng trong chính sách, tránh trường hợp mỗi tỉnh, thành lại có bộ tiêu chí riêng.

Ngoài ra nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên giảm tần suất xét nghiệm COVID-19 với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bởi với số lượng lên tới hơn 800.000 lái xe và hàng triệu lao động đang làm việc buộc phải xét nghiệm COVID-19 với tần suất từ 3 - 5 ngày đây là gánh nặng vượt sức của doanh nghiệp trong lúc nguồn tài chính đã cạn kiệt.

Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng chuyển trạng thái để phát triển kinh tế sau thời gian giãn cách. Để phát triển được hiệu quả, chắc chắn phải kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính phát sinh làm đứt gẫy chuỗi cung ứng từ Trung ương tới địa phương; đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo tính liên thông liên vùng.

Các doanh nghiệp cần cơ chế thống nhất và sát thực tế để tạo điều kiện cho họ vừa phục hồi sản xuất, góp phần phát triển kinh tế trong điều kiện an toàn với dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước