Rủi ro mua bán tài khoản ngân hàng

VTV Digital-Thứ năm, ngày 09/06/2022 11:31 GMT+7

VTV.vn - Dù chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng nhưng việc bán tài khoản lại để lại hậu quả lớn.

Thời gian qua, phóng viên VTV đã phản ánh nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng bị cơ quan công an các tỉnh triệt phá. Theo cơ quan công an, các đối tượng xấu thường sử dụng các tài khoản này để thực hiện những vụ việc vi phạm pháp luật. Rủi ro là vậy nhưng vì lợi trước mắt, nhiều người dân vẫn mở nhiều tài khoản ngân hàng để bán lại kiếm lời.

200.000 - 400.000 đồng 1 tài khoản, số lượng không giới hạn, khuyến khích mọi người mở nhiều tài khoản… những lời chào mời hấp dẫn như vậy trên các group luôn thu hút nhiều người tham gia.

Một sinh viên cho biết, bản thân cũng đã mở hàng chục tài khoản ngân hàng và bán lại để kiếm tiền chi tiêu. "Khi mình mở tài khoản và giao cho họ sẽ được 300.000 đồng. Nếu mình giới thiệu thêm người khác mở lại được nhận hoa hồng, khoảng 200.000 đồng", sinh viên này nói.

Rủi ro mua bán tài khoản ngân hàng - Ảnh 1.

Nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng đã bị cơ quan công an các tỉnh triệt phá.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, hiện nay có khoảng 20 group thường đăng các nội dung tìm người mở tài khoản ngân hàng với sự tham gia của khoảng 50.000 người. Phần lớn đứng phía sau các group này là các đối tượng chuyên thu gom, làm giả các loại thẻ ngân hàng. Để tạo niềm tin và thu hút người mở tài khoản, các đối tượng thường giả danh là cán bộ ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ.

Người bán tài khoản thường là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp. Điều đáng nói là dù chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng nhưng việc bán tài khoản lại để lại hậu quả lớn. Ví dụ như một người phụ nữ đã bị các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng để phục vụ lừa đảo mua bán thiết bị điện dân dụng tại tỉnh Hà Tĩnh. Hiện vụ việc đang được công an điều tra xử lý.

Người bán tài khoản ngân hàng nói: "Công an nói số hơn 1,7 tỷ đồng các nạn nhân trong vụ lừa đảo đều được chuyển qua số tài khoản mang tên tôi".

Rủi ro mua bán tài khoản ngân hàng - Ảnh 2.

Dù chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng nhưng việc bán tài khoản lại để lại hậu quả rất lớn.

Theo cơ quan công an, những tài khoản sau khi bị bán ở trên đều được sử dụng vào mục đích trái pháp luật, phổ biến là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi nhận được tiền, các đối tượng chuyển lòng vòng qua các tài khoản này. Do tài khoản không chính chủ, sim đăng ký cũng là sim rác nên gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

"Các ngân hàng cần có cảnh giác hơn trong việc mở các tài khoản. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với ngân hàng để có những cảnh báo đến người dân về những giao dịch bất minh, giao dịch đáng ngờ", Thượng tá Vũ Văn Đấu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay: "Bộ Công an giao các đơn vị chức năng tổ chức đấu tranh, làm rõ các tổ chức đường dây mua bán, chiếm đoạt dữ liệu thông tin cá nhân tại Việt Nam. Tập trung đấu tranh vô hiệu hóa các trang web cung cấp dịch vụ mua bán dữ liệu trên không gian mạng".

Cũng theo cơ quan công an, những người mua tài khoản ngân hàng là vi phạm về tội hình sự "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng".

Còn những người mở và bán các tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thường sẽ rơi vào bi kịch kép - bị lộ lọt, mất thông tin các nhân, đồng thời là người liên quan hoặc tiếp tay cho nhóm lừa đảo trong các vụ án nếu bị phát giác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước