Khi lướt mạng xã hội, người dân không ít lần bắt gặp những quảng cáo mời chào việc nhẹ lương cao. Từ việc điểm danh trên mạng lĩnh tiền khủng tới xem quảng cáo nhận hoa hồng. Phần lớn những nội dung này là lừa đảo, cũng có những nội dung là công việc có thật nhưng thực ra lại đính kèm những nguy cơ pháp lý mà người dùng khó lường trước.
Có thể lấy ví dụ như "dịch vụ chốt đơn hàng hộ". Bạn chỉ việc ngồi nhà vào các trang thương mại điện tử chốt đơn hàng và sau đó nhận lương. Công việc có vẻ đơn giản nhưng khi tham gia, bạn đã vi phạm pháp luật, nếu gây thiệt hại nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự.
Mới đây, khi triệt phá đường dây trục lợi mã giảm giá của sàn thương mại điện tử Shopee, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn hết sức tinh vi của các nhóm đối tượng này.
Những chiếc hộp với đơn hàng ghi là "điện thoại đắt tiền" nhưng bên trong chỉ là chai nước suối. Mỗi đơn hàng ảo thế này, đối tượng có thể chiếm đoạt của sàn hàng trăm ngàn đồng tiền trợ giá. Các đối tượng còn lên mạng quảng cáo, tuyển công tác viên để tạo hàng trăm ngàn đơn tương tự mỗi ngày. Số tiền bị chiếm đoạt vì thế lên đến cả tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: "Trước đây, có nhiều người cho rằng họ làm bậy nhưng không ai có đủ thời gian và điều kiện để lần tìm ra họ. Bây giờ, rõ ràng nếu cơ quan đã trực tiếp sử dụng các bằng chứng pháp lý thì đương nhiên việc đó hoàn toàn có thể thực hiện được".
Các chuyên gia đánh giá, những người tham gia làm việc cho các nhóm này trước hết sẽ bị chúng lợi dụng thông tin, tài khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của sàn, nếu tham gia sâu, gây thiệt hại nhiều có thể sẽ bị xử lý nặng.
Thượng úy Trần Hải Đăng – Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – tỉnh Phú Thọ cho biết: "Khi tham gia các hội nhóm này, người dân không chỉ đứng trước nguy cơ bị lừa đảo mất tiền, mà còn có thể vô tình tiếp tay cho các tội phạm lừa đảo. Do vậy, người dân tuyệt đối không vì mức phí rẻ mạt mà các đối tượng trả cho mỗi lần chốt đơn hàng ảo để có thể bị xử lý rất nghiêm khắc theo quy định của pháp luật".
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật Anvi nhận định: "Mức độ nhẹ, vi phạm ít thì có thể thuộc tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn nếu thiệt hại nặng hơn, có thủ đoạn rõ ràng gian dối thì có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, chỉ cần chiếm đoạt từ 2 triệu đồng lên đã có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự".
Cơ quan công an khuyến nghị, người dân khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần ngay lập tức liên hệ các tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của các trang thương mại điện tử hoặc gửi đơn tố giác tới cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!