Theo ghi nhận của phóng viên tại London, sức ép lên các thị trường từ London sang Frankfurt và khắp châu Âu trong ngày 14/6, được xem là căng thẳng nhất trong diễn biến cả một năm trở lại đây.
Chỉ ít giờ buổi sáng, nhóm các công ty trong bộ chỉ số chính FTSE 100 của Anh đã thiệt hại 20 tỷ Bảng vì cổ phiếu bị bán tháo. Bản thân FTSE 100 lần đầu mất mốc 6000 điểm trong gần nửa năm qua. Diễn biến thị trường tiền tệ cũng căng thẳng không kém. Đồng Bảng tiếp tục giảm mạnh so với USD, Euro, và thậm chí là nhiều đồng tiền của các nước Nam Mỹ.
Thậm chí phiên ngày 14/6, người ta chứng kiến lợi suất trái phiếu Đức, một trong những kênh đầu tư an toàn nhất, còn giảm về âm. Tức là giờ nhà đầu tư thậm chí còn phải trả lãi, nếu gửi tiền cho chính phủ Đức vay, thông qua mua trái phiếu.
Có lẽ chưa bao giờ áp lực từ Brexit lại cảm nhận được rõ như lần này. Nguyên nhân là vì có thêm 3 khảo sát mới, cho thấy phe vận động rời châu Âu đang dẫn trước.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên đang có mặt tại New York, Mỹ, chứng khoán phố Wall không quá căng thẳng như châu Âu. Song kết thúc phiên giao dịch vừa qua cũng đã đồng loạt giảm điểm. Cổ phiếu của ngành tài chính giảm trên 1% giá trị, trong đó dẫn đầu mức giảm thuộc về cổ phiếu American Express.
Ngoài việc chờ Cục dự trữ liên bang Mỹ FED sẽ quyết định lãi suất USD như thế nào vào ngày 16/6 thì chuyện đi hay ở của nước Anh cũng là điều phố Wall lo lắng. Theo khảo cứu của ngân hàng Bank of America Merry Lynch, lượng tiền mặt của các quỹ đầu tư đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Nhà đầu tư tích tiền mặt nhiều cho thấy, họ đang không hề muốn đặt tiền vào chứng khoán giữa lúc có nhiều thông tin chưa rõ ràng như thế này. Tuy nhiên dự đoán cũng cho rằng, ngay khi nỗi lo Anh đi hay ở được xua tan, lượng tiền này cũng có thể chảy vào thị trường bất cứ lúc nào, đẩy chứng khoán bật tăng trở lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!