Sắn Việt gặp khó khi Trung Quốc giảm nhập khẩu

Cung Nguyễn-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 09:51 GMT+7

Ảnh: Sơn Trang

VTV.vn - 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 10/2024 đạt 150.000 tấn, đem về 69,5 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, với kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 459 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,3% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Nhu cầu sắn lát của của thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 5,61 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,89 triệu tấn sắn lát, trị giá 482 triệu USD, giảm 60% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan, Việt Nam và Nigeria tiếp tục giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 8 tháng năm 2024, dù vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sắn lát Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 308.000 tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Sắt lát giảm mạnh, tinh bột sắn tiếp tục tăng

Sắn Việt gặp khó khi Trung Quốc giảm nhập khẩu - Ảnh 1.

Sản phẩm sắn lát đang gặp khó, thì nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Ảnh: Sơn Trang

Trong khi sản phẩm sắn lát đang gặp khó, thì nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,43 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc với 1,13 triệu tấn trị giá 617,41 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 930.000 tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 chiếm 38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 32% của cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đã giảm mạnh, đang tác động tới giá sắn Việt Nam. Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống.

Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TP Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.

Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước