Các sản phẩm chế biến sâu từ cao su thiên nhiên rất phổ biến, bao gồm lốp xe, linh kiện ô tô, đế giày, sản phẩm thể thao và các sản phẩm khác. Các sản phẩm này sản xuất tại Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Những năm gần đây, thị trường thế giới dịch chuyển nhu cầu theo hướng các sản phẩm cao su bền vững, nghĩa là những sản phẩm mà quá trình sản xuất, chế biến, thương mại không tổn hại đến môi trường và cộng đồng.
Tuy nhiên, việc sản xuất cao su bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ với ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là đối với một số công ty và hộ cao su tiểu điền tham gia vào khâu sản xuất. Để nâng cao giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên, sản xuất cao su có chứng chỉ bền vững là xu hướng thời đại. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Kết nối cung - cầu: Hướng tới nguồn cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam" do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Forest Trends tổ chức ngày 4/12.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ về bối cảnh tình hình sản xuất và xuất khẩu ngành cao su năm nay, trong bối cảnh chung thế giới.
"Trong vòng xoáy của suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành cao su thế giới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn sự sụt giảm đơn hàng do dịch bệnh, lại chất chồng thêm bởi thiên tai, bão lũ, gió lốc tại các nước lớn trồng cao su như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng toàn cầu cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,9 triệu tấn", ông Thuận chia sẻ.
Theo ông Thuận, thị trường thế giới 11 tháng đầu năm 2020, giá cao su được đánh giá là có độ tăng và giảm đạt kỷ lục trong gần 10 năm qua kể từ năm 2011. Tình hình giá cao su có những biến đổi tích cực vào cuối quý II sau khi các quốc gia dỡ bỏ dần các biện pháp đóng cửa và nới lỏng kiểm soát giúp khôi phục hoạt động kinh tế và phục hồi dần nhu cầu về cao su, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Mỗi năm, khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam, bao gồm một lượng lớn nhập khẩu từ Campuchia và Lào, xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD. Với kim ngạch này, ngành cao su đã trở thành một trong những ngành hàng nông lâm nghiệp xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, với 60% tổng lượng cung cao su thiên nhiên của Việt Nam được đi vào thị trường này. Các thị trường khác, với lượng nhỏ hơn rất nhiều, bao gồm Ấn Độ, Malaysia...
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới.
Tuy nhiên cho đến nay, các sản phẩm cao su Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu vẫn là cao su thiên nhiên. Trong khi đó, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa có chứng chỉ cao su bền vững cho cao su thiên nhiên, khiến cho giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao.
Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường thế giới có sự dịch chuyển sang các sản phẩm cao su bền vững. Thị trường đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và không làm tổn hại đến cộng đồng. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Nhu cầu về cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng.
Tại Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ đã đưa ra định hướng về phát triển bền vững trong Quyết định số 432/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tiếp đó, năm 2017, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo định hướng của Chính phủ, diện tích cao su của Việt Nam sẽ giữ ổn định ở mức khoảng 900 - 950 nghìn ha, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời tái cơ cấu ngành cao su nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững, khuyến khích phát triển sản phẩm cao su và tăng tiêu thụ nội địa, thử nghiệm và phát triển các mô hình sản xuất cao su bền vững qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu các sản phẩm cao su của Việt Nam…
Cho đến nay, các sản phẩm cao su Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu vẫn là cao su thiên nhiên.
Tuy nhiên, đến nay, sản xuất cao su bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ với ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là đối với một số công ty và đặc biệt đối với hàng trăm nghìn hộ cao su tiểu điền tham gia vào khâu sản xuất. Trước thực trạng đó, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết, thời gian tới, VRA sẽ hỗ trợ và khuyến khích hội viên tuân thủ Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. VRA cũng sẽ tích cực gia tăng nhận thức về phát triển bền vững và có trách nhiệm cũng như phổ biến các hướng dẫn về sản xuất cao su thiên nhiên bền vững cho các hội viên trong hiệp hội.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên Việt Nam cũng được kết nối trực tuyến với các công ty mua cao su thiên nhiên toàn cầu. Theo đó, các công ty mua cao su thiên nhiên toàn cầu đều khẳng định xu hướng và nhu cầu ngày càng tăng lên đối với các sản phẩm cao su bền vững, qua đó giúp nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên Việt Nam về xu hướng thị trường, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!