Sau bão, nợ xấu ám ảnh nông dân và ngân hàng

Đình Hải-Thứ năm, ngày 10/10/2013 14:00 GMT+7

Cùng với những khó khăn của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua, thì các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những khoản nợ xấu vì nhiều tài sản đảm bảo và vật nuôi cây trồng đã bị thiệt hại, hư hỏng khiến người dân không thể trả nợ vay.

31 vuông nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Thăng xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch đã bị sóng biển phá vỡ. 5 vuông tôm khác đến kỳ thu hoạch dự định dùng để trả nợ ngân hàng cuối tháng này cũng bị cát vùi lấp.

Từ một chủ nuôi tôm có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm bỗng chốc anh Thăng trắng tay. Kể cả khoản nợ gốc và lãi vay ngân hàng hơn 14 tỷ đồng giờ anh cũng không biết trông chờ vào đâu để trả. Cách đó không xa, mấy hồ nuôi gần chục tấn ốc hương của gia đình ông Bính cũng bị vỡ, nước ngọt tràn vào khiến toàn bộ số ốc này bị chết.

‘ Toàn bộ vuông nuôi tôm của gia đình anh Thăng bị cát vùi lấp sau cơn bão số 10

Thống kê của các ngành chức năng cho thấy thiệt hại về nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Quảng Bình lên đến 5.000 tỷ đồng. Người dân bị thiệt hại tài sản còn phía ngân hàng cũng đối mặt với những rủi ro mới. Chỉ tính riêng các khoản vay nông nghiệp của khách hàng tại Ngân hàng nông nghiệp tỉnh này đã thiệt hại hơn 130 tỷ đồng, trong khi đó khả năng trả được nợ là rất thấp.

Dù các ngân hàng đang tìm cách hỗ trợ tín dụng cho người dân để tiếp tục sản xuất và có điều kiện trả nợ, tuy nhiên do không có tài sản thế chấp nên rất khó để giải ngân. Đại diện ngân hàng nông nghiệp tỉnh Quảng Bình cho biết, nếu theo nghị định 41 quy định các khoản vay thiên tai không có tài sản đảm bảo thì mỗi hộ dân chỉ được vay không quá 50 triệu, các trang trại sản xuất không quá 500 triệu, tuy nhiên số tiền này chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Bình cho biết: “Trước tiên chúng tôi sẽ xem xét với các khoản vay có thể thu hồi vốn nhanh có thể cho vay tín chấp, còn những khoản lớn hơn sẽ đề nghị Ngân hàng nông nghiệp và Ngân hàng nhà nước có chính sách để có thể giải quyết nợ xấu”.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, ông Phan Văn Khoa cho biết thêm: “Chúng tôi đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ như giãn nợ, khoanh nợ với các hộ nuôi trồng thủy sản hoặc tiếp cận các khoản vay mới ưu đãi để sản xuất trở lại”.

Dù phương án giãn nợ đang được các ngân hàng tiến hành nhằm giúp người dân khắc phục một phần hậu quả cơn bão song theo đại diện chính quyền địa phương cho biết nếu không có chính sách hỗ trợ vay vốn kịp thời thì nguy cơ tái nghèo là rất lớn và khi đó những khoản nợ vay của ngân hàng cũng khó có thể thu hồi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước