Giá vàng miếng trong nước hôm nay tiếp tục “nhảy múa”. (Ảnh: TTXVN)
Lúc 4h40', Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 63,3 - 65,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 850.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên sáng nay (19/7).
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội lên mức 63 - 64,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng SJC tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng so với phiên sáng. Sau điều chỉnh, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội giao dịch ở mức 62,5 - 64,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Tại một số điểm giao dịch vàng Hà Nội sáng nay, chỉ có khách đến mua, không có khách bán ra. Chỉ mua vào chứ không bán ra là tâm chung của nhiều người, bởi theo một số khách hàng, giá vàng hiện đang thấp, phù hợp với nhu cầu mua tích trữ từ lâu nay.
Một chuyên gia vàng cho biết biến động giá vàng 2 ngày nay có yếu tố từ chính doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp vàng đã chủ động giảm mạnh giá vàng miếng để đón đầu sự điều chỉnh của giá vàng thế giới với dự báo giảm vào cuối tháng 7 này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.
Việc doanh nghiệp giảm mạnh giá giao dịch vàng miếng, đặc biệt là giá mua vào 2 ngày qua là những chiến lược để các nhà kinh doanh phòng thủ trước diễn biến của thị trường.
“Nguyên tắc thông thường là thị trường luôn có độ vênh và phải điều chỉnh giảm dần. Giá vàng miếng giảm bất thường phiên 18/7 là do các doanh nghiệp đã ra tay trước. Việc giảm mạnh giá vàng miếng cũng xuất phát từ việc các doanh nghiệp ghi nhận số lượng bán lớn và dự kiến còn tăng lên trong thời gian tới”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, giá vàng miếng phiên 18/7 biến động mạnh bất thường. Tuy nhiên, biến động này xuất phát từ xu hướng bán mạnh vàng miếng và mua vàng nhẫn để tái cơ cấu danh mục vàng của nhà đầu tư.
"Xu hướng này xuất phát từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới quá cao", ông Hải cho biết. Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ có một hội nghị để bàn về việc điều chỉnh Nghị định 24/2012 trong hoạt động quản lý vàng miếng.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, giá vàng miếng SJC sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm theo xu hướng thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới. Xu hướng này sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 7, ông Hải dự báo. Với các tháng tiếp theo, ông cho rằng rất khó để đưa ra dự báo với giá vàng vì tháng 11 là thời điểm diễn ra sự kiện bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ.
"Trong tháng 8/2020, giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng đã tăng lên mức 2.063 USD/ounce nên không ai biết sự kiện tới đây giá vàng có thể phục hồi đến đâu. Nhưng trong tháng 7 này, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm, kéo theo vàng miếng SJC giảm và chênh lệch giữa 2 thị trường cũng giảm", ông Hải nhận định.
Trước diễn biến giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới, các chuyên gia khuyến cáo nếu đầu tư cần nghiên cứu kỹ. Bởi nếu mua vàng làm kênh trú ẩn, tích trữ dài hạn thì hãy mua giai đoạn này, còn nếu chỉ là kênh đầu cơ thì có thể gặp rủi ro cao.
Giá vàng tại châu Á sáng nay giao dịch ở mức 1.707 USD/ounce, giảm khoảng 2 USD. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng trong nước cao hơn thế giới 11,4 triệu đồng, thu hẹp đáng kể so với mức 19,5 triệu đồng vào cuối tuần trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!