Sẽ cắt vốn nếu các Bộ tiếp tục chậm giải ngân

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 24/05/2018 16:32 GMT+7

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, không thể để tình trạng chậm giải ngân kéo dài thêm nữa, Bộ nào chậm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt vốn, chuyển cho các Bộ ngành khác.

Trong quý I vừa qua, 3 Bộ thuộc khối ngành xã hội là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều trong tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ Y tế có không ít các dự án chậm giải ngân, dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí chưa có điểm hẹn hoàn thành. Sáng nay (24/5), tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định không thể để tình trạng chậm giải ngân kéo dài thêm nữa, Bộ nào chậm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt vốn, chuyển cho các Bộ ngành và công trình khác.

Bộ Y tế là đơn vị đứng đội sổ về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 Bộ thuộc khối ngành xã hội là Y tế, Giáo dục và đào tạo, và Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 4, Bộ Y tế mới chỉ giải ngân được chưa đến 2%, tức là chưa đạt được 1/8 con số trung bình cả nước.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam là 2 dự án thể hiện rõ nhất tình trạng chậm giải ngân. Đây là 2 cơ sở y tế có nhu cầu khám chữa bệnh bức thiết hàng đầu cả nước nhưng đến nay đã chậm tiến độ 18 tháng và nhiều khả năng còn kéo dài thêm. Trước tình trạng đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên tục đặt câu hỏi với đại diện Bộ Y tế về nguyên nhân vì sao ngân sách đã xuất quỹ nhưng chưa được giải ngân, trách nhiệm nằm ở cá nhân hay khâu nào.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này phải xác định rõ các nguyên nhân làm chậm giải ngân liên quan đến quy trình đấu thầu, chọn tư vấn, cơ sở pháp lý của việc vừa thiết kế vừa thi công. Nếu không xử lý dứt điểm sẽ dễ đi vào vết xe đổ của các dự án đắp chiếu như hiện nay.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lúc đề xuất xin vốn các Bộ đều tích cực, thế nhưng, có tiền rồi lại trì trệ không giải ngân, khiến tình trạng chậm trễ kéo dài. Nếu không sớm được giải quyết, Chính phủ sẽ chỉ đạo hủy dự toán, cắt vốn và chuyển vốn cho các Bộ, ngành, công trình khác. Riêng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hết quý I/2018 giải ngân được hơn 6%. Tình trạng chậm giải ngân chủ yếu tập trung ở các dự án xây dựng trường đại học sử dụng nguồn vốn ODA. Nguyên nhân nằm ở năng lực hạn chế của các ban quản lý dự án. Còn đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quý I/2018 đã giải ngân được khoảng 15% và cam kết đến cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân vốn kế hoạch của năm nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước