Trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhân viên giao hàng (shipper) được đánh giá là lực lượng lao động tuyến đầu, cần thiết. Mặc dù thời gian này được xem là cơ hội "hái ra tiền" của các shipper, thế nhưng để có thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, từ việc không có bảo hiểm y tế, mức lương tối thiểu hay thậm chí nhiều người còn bị từ chối không được dùng nhà vệ sinh tại các nhà hàng.
Mỗi ngày, anh Benito đều ra khỏi nhà từ sáng sớm cho đến tối khuya. Trên chiếc xe đạp thể thao, anh phải băng qua các con phố lớn, nhỏ ở thành phố để vận chuyển đồ.
"Thi thoảng bạn nhận được đơn hàng phải đi từ 12 - 20 cây số. Với khoảng cách đó, bạn sẽ phải đạp xe liên tục trong 40 phút đến 1 tiếng. Quãng đường quá xa cho 4 USD tiền tip", anh Benito Velazquez, nhân viên giao hàng bằng xe đạp, cho biết.
Tiền lương không đáng là bao so với công sức bỏ ra, không những vậy nhân viên giao đồ tại Mỹ còn đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhân viên giao hàng được đánh giá là lực lượng lao động tuyến đầu. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Kháo sát của trường Đại học Cornell với 500 shipper bằng xe đạp tại New York cho thấy một sự thật phũ phàng khi hầu hết các nhân viên giao hàng đều bị từ chối sử dụng phòng vệ sinh. Hơn 45% nhân viên gặp vấn đề liên quan đến lương.
"Rất nhiều lần các nhà hàng từ chối không cho nhân viên giao hàng đi nhờ nhà vệ sinh. Chúng tôi chẳng đòi hỏi gì cao sang cả. Đấy là dịch vụ tối thiểu mà còn không được", anh Gustavo Ajche, nhân viên giao hàng bằng xe đạp, bày tỏ.
Chưa hết, trong 18 tháng qua, nhiều vụ tấn công bạo lực, sát hại nhân viên giao hàng đã xảy ra không chỉ ở thành phố New York, mà còn trên toàn nước Mỹ. Vào đầu tháng 4, một nhân viên giao hàng bằng xe đạp 29 tuổi, đã bị bắn chết khi đang giao đồ ăn ở Manhattan.
"Nhân viên giao đồ ăn luôn là đối tượng bị đe dọa, hành hung và cướp bóc. Đây là một công việc đầy mạo hiểm. Bởi vì khi ra khỏi nhà, bạn không biết mình có lành lặn trở về hay không", anh Gustavo Ajche, nhân viên giao hàng bằng xe đạp, cho hay.
Các nền tảng công nghệ chỉ coi nhân viên giao hàng là các đối tác độc lập, do vậy công ty không phải chịu trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm y tế, cũng như bồi thường cho người lao động trong trường hợp xảy ra tai nạn hay nghỉ ốm.
Vì vậy, hơn 1.000 nhân viên giao hàng bằng xe đạp trên các ứng dụng như DoorDash, Grubhub hay Postmates tại thành phố New York đã tập trung lại, biểu tình đòi quyền lợi và yêu cầu cải thiện điều kiện lao động.
"Phần lớn các ứng dụng giao hàng đều tận dụng một lượng lớn lao động thất nghiệp, thiếu thốn, những người cần kiếm tiền để mua đồ ăn, trả tiền thuê nhà và sống qua ngày", Đồng Giám đốc Điều hành Dự án Công lý cho Người lao động Ligia Guallpa chia sẻ.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi nhân viên giao hàng đang thúc đẩy Hội đồng thành phố New York thông qua luật cải thiện điều kiện làm việc, bao gồm: vấn đề bảo hiểm, quyền truy cập vào bản sao biên lai xác minh tiền hoa hồng, giới hạn về khoảng cách và trọng lượng hàng khi giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!