Bờ biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh
UBND TP Hồ Chí Minh vừa trình Chính phủ đề xuất xây cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với công suất hoạt động 16 - 18 triệu TEU, có thể đón tàu lớn trọng tải lên đến 24.000 Teu. Vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD.
Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành logistics nhận định rằng cảng trung chuyển này khi được triển khai xây dựng sẽ tạo cú hích lớn, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn tồn đọng của các cảng hiện hữu hiện nay.
Sản lượng vận tải container toàn cầu bằng đường biển tăng từ 36 triệu TEU năm 1980 lên 237 triệu TEU năm 2000, đạt xấp xỉ 816 triệu TEU vào năm 2020 và dự kiến đạt 945 triệu TEU vào năm 2024. Trong đó, khối lượng hàng container trung chuyển chiếm khoảng 28% đến 30% tổng khối lượng vận tải container toàn cầu, tương đương khoảng 265 - 284 triệu TEU vào năm 2024.
Nằm trên tuyến đường biển huyết mạch của thế giới Á - Âu, Âu - Mỹ hơn 45% sản lượng trung chuyển hàng thế giới đi qua khu vực này, Việt Nam có nhiều cơ hội khai thác hàng trung chuyển nhưng các cảng lớn trong khu vực chưa tập trung vào hạng mục này.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã phát triển một hệ thống cảng biển quy mô lớn, trong đó có những cảng biến xứng đáng với với vai trò cảng biển quốc tế như Cái Mép - Thị Vải.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này hoạt động trung chuyển quốc tế tại hai cảng cửa ngõ gần như chưa có. Các bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải chỉ khai thác một phần nhỏ hàng hóa từ Campuchia, kết nối qua theo phương thức vận tải thủy nội địa, với khối lượng chiếm khoảng 5-6% tổng khối lượng hàng container qua cảng, khó có thể coi là trung chuyển quốc tế. Nguyên nhân cơ bản là hoạt động trung chuyển container quốc tế gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hãng tàu", báo cáo của VIMC cho biết.
Do đó, việc có sự đồng hành của các hãng tàu lớn trong hoạt động trung chuyển quốc tế, có thể xem là mở đường để hình thành trung tâm trung chuyển tại khu vực, bao gồm cho cả các cảng khu vực Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), tạo ra môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực; phù hợp đi hướng phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, với lợi thế đường bờ 7km, công suất 16-18 triệu TEU sẽ tiếp nhận nhiều tàu mẹ cùng lúc, đáp ứng yêu cầu của một cảng trung chuyển, giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở một số cảng hiện nay do hạn chế về công suất tiếp nhận, tạo động lực cho hoạt động logistics tại Việt Nam và khu vực phát triển mạnh phù hợp với năng lực và tiềm lực của cảng mới.
Cùng quan điểm với báo cáo phân tích của tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, ông Huỳnh Văn Cường - Phó CT HĐQT Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cũng cho rằng đề xuất của hãng tàu MSC – hãng tàu lớn nhất trên thế giới, về việc phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế tại sẽ thu hút hàng từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia qua cảng trung chuyển Việt Nam, là cơ hội đẩy mạnh phát triển hoạt động trung chuyển quốc tế của Quốc gia nói chung và khu vực Cái Mép nói riêng.
Do tính chất của hoạt động vận tải biển, việc thành lập một cảng trung chuyển quốc tế phần lớn phụ thuộc vào hãng tàu nên "việc đầu tư khu bến trung chuyển container tại Cần Giờ không ảnh hưởng đến dự báo và kế hoạch đầu tư cảng biển theo quy hoạch tổng thể", ông Cường nói.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần giờ sẽ tạo cú hích cho logistics, kéo theo các hoạt động giao thương, dịch vụ, tài chính phát triển.
Nhận xét về tác động của việc có thêm một cảng trung chuyển quốc tế tới hoạt động của các cảng hiện hữu phía Nam hiện nay, PGS.TS Phạm Văn Tài thuộc Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TP Hồ Chí Minh phân tích: Hiện nay ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chúng ta có các cụm cảng của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng quốc tế ở Long An. Tuy nhiên, hàng hóa xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn thông quan bởi nhiều lý do, nhưng rõ ràng đang bị tắc và chưa giải quyết được bài toán chi phí logistics bị tăng lên, nhất là trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng hiện nay. Chính điều này làm ảnh hưởng tốc độ phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Chủ trương của chính phủ xây dựng siêu cảng biển ở Cần Giờ là bước đột phá giải quyết rốt ráo tất cả các bế tắc logistics bằng một giải pháp.
"Siêu cảng biển Cần Giờ sẽ kéo theo hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng mới kết nối không chỉ TP Hồ Chí Minh mà còn hàng loạt các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ một cách dễ dàng hơn vì xây dựng mới", ông Tài nói thêm.
Một trung tâm trung chuyển container quốc tế tầm cỡ thế giới như Singapore, Malaysia tại Việt Nam là một lợi thế cho kinh tế Việt Nam cũng như cả khu vực có thêm lựa chọn điểm trung chuyển mới.
VIMC
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!