Đặc biệt, nếu so sánh với sự ảm đạm do ảnh hưởng của COVID-19 trong năm 2020, đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng trong thời gian tới.
Theo ghi nhận, một doanh nghiệp nước ngoài đang cần thành lập ngay một trung tâm sản xuất mới, mang tính dài hạn, bởi dự kiến tới đây, những đơn đặt hàng từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ là rất lớn. Sau nhiều cuộc khảo sát, doanh nghiệp này quyết định chọn Việt Nam.
"Tôi có rất nhiều người bạn cũng đang rất quan tâm tới việc đầu tư vào Việt Nam. Các bạn có thể thấy những con số về đầu tư vừa qua là cao kỷ lục, nhưng tôi cho rằng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Xu hướng đầu tư vào Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần", ông Sid Lee, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Tấm lát sàn AUSDA, cho biết.
Tính riêng tại tỉnh Thái Nguyên, số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm nay, nếu so với cùng kỷ năm 2019, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, cũng đã tăng gần 12%.
Làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: NLĐ)
"Các tỉnh làm tốt thì Việt Nam sẽ tốt. Chính vì vậy hiện nay, các tỉnh đang đẩy mạnh cải cách một cách sôi động về thu hút đầu tư, từ đó tạo ra một môi trường đầu tư tốt choViệt Namcũng như cho các tỉnh và trong đó có Thái Nguyên", ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ.
Tăng trưởng mạnh nhất về số lượng đến từ các ngành như: Bất động sản, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, hoạt động dịch vụ, giáo dục, vận tải kho bãi. Tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong giai đoạn 4 tháng đầu năm đạt 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thực tế hiện nay ,các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình là chi phí vận tải, hay nguyên vật liệu đầu vào. Thế nhưng các doanh nghiệp cũng hiểu rằng, đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn.
"Họ nhìn thấy ở Việt Nam cái triển vọng trong trung và dài hạn đang rất là tươi sáng. Nền kinh tế vận hành rất là ổn định, triển vọng. Môi trường kinh doanh đang theo hướng ngày càng thuận lợi hơn. Việt Nam đang mở cửa rất mạnh mẽ và rõ ràng vị thế của nền kinh tế so với các quốc gia khác đang tăng rất nhanh", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong gần 4 tháng cũng lên tới trên 51.000 doanh nghiệp, trong đó một nửa là tạm ngừng kinh doanh để nghe ngóng diễn biến thị trường, tìm kiếm hướng đi mới. Điều đó cũng cho thấy bên cạnh tín hiệu tích cực cũng đang có những thách thức rất lớn ở phía trước, đặc biệt khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!