Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao

Như Anh (Trung tâm tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 23/10/2019 11:18 GMT+7

VTV.vn - Hiện nhiều người tiêu dùng không muốn sở hữu quá nhiều đồ đạc, tài sản vật chất, mà thay vào đó là xu thế đang trỗi dậy - Kinh tế thuê bao.

Càng ngày người tiêu dùng càng không mặn mà với việc mua sắm tích lũy tài sản. Đây là kết luận của một khảo sát do Tập đoàn tư vấn của Mỹ The Harris Group đưa ra. Theo đó, quá nửa số người tham gia khảo sát cho biết, họ muốn "rũ bỏ" việc sở hữu quá nhiều đồ đạc, tài sản vật chất. Và thay thế vào đó là một xu thế đang trỗi dậy của kinh tế số: Kinh tế thuê bao.

Ngày nay, thế giới chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, có thể được coi là "dấu chấm hết của quyền sở hữu"

Điều này có nghĩa là gì? Nói một cách đơn giản, quyền sở hữu sản phẩm và nền kinh tế thành phẩm cũ đang dần trở thành quá khứ. Mọi người không quan tâm đến việc lấp đầy nhà của họ với đủ loại sản phẩm, hàng hoá nữa. Họ cũng không muốn phải bỏ một khoản tiền lớn ra mua trọn gói một món hàng, rồi lại phải đau đầu với chi phí bảo trì. Nhất là khi họ cho rằng có một cách để trải nghiệm cuộc sống đơn giản hơn: Đó là đăng ký thuê bao dịch vụ. Đây là tư duy mới của người tiêu dùng, theo bản khảo sát của The Harris Group.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 1.

Đăng ký thuê bao (hay còn gọi là subscription) được cho là cách mà người tiêu dùng đang "giải phóng" bản thân và ngôi nhà của mình khỏi những thứ đồ vật dường như đã lỗi thời. Những giá sách, kệ đĩa DVD và CDs lộn xộn, thậm chí cả ô tô, xe máy, hay quần áo, giờ cũng có thể đăng ký để sử dụng "dịch vụ" thay vì mua đứt để "sở hữu."

Hãy nghĩ về giới bất động sản. Tại Mỹ, nhiều công ty đã bắt đầu chuyển hướng, từ thuê văn phòng hợp đồng dài hạn, sang việc đăng ký sử dụng không gian linh hoạt và ngắn hạn thông qua những dịch vụ như của WeWork hay Servcorp.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 2.

Sự thật là, chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn của kỷ nguyên "tích luỹ tài sản", và thay vào đó là sự trỗi dậy của xu hướng "tích lũy dịch vụ". Điều này thể hiện rõ nhất trong cuộc sống của chúng ta suốt 1 thập kỷ qua.

Tại sao xu thế này lại có thể diễn ra? Ở vị trí người tiêu dùng mà nói, chúng ta đang càng ngày càng coi trọng giá trị cốt lõi và sự tiện lợi của dịch vụ, hơn là quyền sở hữu tài sản. Chúng ta muốn được truy cập những công nghệ tân tiến nhất, vào bất kì lúc nào. Chúng ta muốn được tự do lựa chọn khi nào thì dùng dịch vụ, khi nào thì ngừng, và cả phương thức thanh toán phù hợp nữa. Chính vì những mong muốn này, mà nền kinh tế "thuê bao" đang lấn lướt và thay thế nền kinh tế "sở hữu."

Trong 7 năm qua, những công ty cung cấp dịch vụ đăng ký trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á Thái Bình Dương đã chứng kiến mức tăng trưởng hơn 300%. Mức tăng trưởng này nhanh gấp 5 lần tăng trưởng doanh thu của các công ty S&P 500, và nhanh gấp 10 lần mức tăng trưởng của chỉ số chứng khoán DAX của Đức.

Chúng ta có thể nhìn vào một số ngành nghề để nhận thấy rõ nhất xu thế này:

Âm nhạc: Doanh số CD và lượt tải bài hát tiếp tục giảm, nhưng ngành công nghiệp âm nhạc đang tăng trưởng năm thứ 5 liên tiếp, chủ yếu nhờ đăng ký nghe nhạc trực tuyến trên nền tảng số. Nguồn thu từ tài khoản đăng ký hiện chiếm 62% tổng doanh thu bán nhạc, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 3.

Ô tô: Doanh số ô tô bán ra toàn cầu giảm 2,8% so với năm 2017, nhưng quãng đường di chuyển của người tiêu dùng vẫn tăng đều. Cho nên, không phải là mọi người không dùng tới ô tô nữa; họ chỉ dùng theo một cách khác, ví dụ như bằng cách đăng ký thuê bao xe, dịch vụ đi xe chia sẻ,…

Báo chí: Có bao nhiêu người trong chúng ta còn thức dậy với một tờ báo ngay trước cửa nhà mỗi sáng? Doanh số bán báo đã giảm xuống còn khoảng 30 triệu bản vào năm ngoái, gần bằng với số lượng từ những năm 1940! Nhưng đây mới là điều quan trọng: tiêu thụ tin tức trực tuyến trên điện thoại di động đã tăng hơn 300% trong vài năm qua, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 4.

Vậy điều gì đang khiến người tiêu dùng thay đổi?

Khảo sát của Tập đoàn Harris được thực hiện trên 12 quốc gia trên khắp các châu lục, với 13.000 người tiêu dùng tham gia. Khảo sát này đã chỉ ra 5 "động lực" chính giúp cho nền kinh tế "đăng ký thuê bao" lên ngôi.

1. Hơn một nửa số người được khảo sát nói rằng họ không còn ham muốn sở hữu nhiều tài sản như trước đây nữa.

Gần như cứ 10 người được hỏi, thì 6 người nói rằng họ không quan tâm tới việc phải mua cái này hay sở hữu cái kia nữa. Với những tiến bộ trong công nghệ và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh dịch vụ đăng ký ngắn hạn thành công, việc cứ phải sở hữu đồ đạc hay tài sản ngày càng trở nên lỗi thời. Giao thông vận tải và truyền thông giải trí đang là những ngành cảm nhận rõ nhất xu thế này.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 5.

57% số người tham gia khảo sát nói rằng họ không còn muốn sở hữu quá nhiều tài sản nữa Nguồn: The Harris Poll

2. "Tài sản không thể định giá được một con người"

Nếu như thời cha ông ta, thành công của một con người đồng nghĩa với việc anh ta ngồi trên đống tài sản lớn tới cỡ nào, thì bây giờ điều đó đã thay đổi. Hãy nhìn lên Facebook hay mạng xã hội nào bạn đang dùng, mọi người đang khoe những bức ảnh họ đi du lịch, trải nghiệm văn hóa, thậm chí là ảnh chụp khi tập thể dục hay ăn uống. Những trải nghiệm tinh thần đang thay thế tài sản vật chất để trở thành thước đo đánh giá chất lượng cuộc sống của con người.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 6.

68% người tham gia khảo sát cho rằng vị thế xã hội và chất lượng cuộc sống không còn phụ thuộc nhiều vào việc bạn sở hữu bao nhiêu tài sản. Nguồn: The Harris Poll

3. "Đăng ký thuê bao" giải phóng gánh nặng của việc "sở hữu"

Nếu bạn không phải là tín đồ của việc "tích luỹ" của cải vật chất, và sau đó lại phải bảo trì bảo dưỡng chúng, thì nền kinh tế "đăng ký" dịch vụ chính là giải pháp. Và điều quan trọng là chúng ta không bao giờ thiếu sự lựa chọn. Mỗi ngày lại có vài dịch vụ đăng ký mới nổi lên trong mọi lĩnh vực, từ vé xem phim, dụng cụ cắm trại, đồ ăn thức uống, cho tới chăm sóc sức khỏe.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 7.

70% người được hỏi nói rằng đăng ký thuê bao dịch vụ giúp họ trút bỏ được gánh nặng của việc sở hữu và bảo dưỡng, duy trì tài sản. Nguồn: The Harris Poll


4. Trong tương lai, "đăng ký" thêm dịch vụ chính là xu hướng

Các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng và tự chuyển mình với các mô hình kinh doanh thuê bao mới. Và người tiêu dùng sẵn sàng và sẵn sàng cho những dịch vụ mới này.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 8.

74% người được hỏi cho rằng trong tương lai, sẽ có nhiều người đăng ký sử dụng dịch vụ thay vì mua và sở hữu tài sản vật chất. Nguồn: The Harris Poll

5. Lượng người đăng ký thuê bao dịch vụ đang tăng một cách "chóng mặt"

Nếu như 5 năm trước, cứ 10 người mới có 5 người sử dụng các dịch vụ đăng ký thì hiện nay con số đó là 7/10. Và khi càng ngày càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ đăng ký thông qua những nền tảng công nghệ, hệ thống dữ liệu khách hàng của những công ty lại càng dồi dào thêm, cung cấp cơ sở để xây dựng những dịch vụ mới.

Sở hữu ít, đăng ký nhiều và sự lên ngôi của kinh tế thuê bao - Ảnh 9.

Năm 2014, chỉ có 53% người được khảo sát nói rằng họ đăng ký sử dụng một loại hình dịch vụ nào đó. Năm 2019, con số này tăng lên 71%. Nguồn: The Harris Poll

Các doanh nghiệp nên đón nhận xu thế này như thế nào? Nhìn chung, các công ty sẽ sớm nhận ra rằng họ cần cân nhắc lại định hướng phát triển của mình trong kỷ nguyên số. Để thành công trong nền kinh tế "thuê bao", mỗi doanh nghiệp cần chú trọng tới nhu cầu của khách hàng, chứ không chỉ biết tới mỗi việc hoàn thành sản phẩm. Mọi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp - sản xuất, marketing, bán hàng, thậm chí cả tài chính - đều phải xoay quanh một câu hỏi "Điều gì là tốt nhất cho khách hàng đăng ký dịch vụ?", vì giá trị của dịch vụ nằm ở mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, chứ không còn nằm hoàn toàn ở sản phẩm nữa.

(Nguồn: Bloomberg, Zuora, The Harris Group, ZDNET.com)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước