Số vụ phá sản tại Mỹ cao kỷ lục

PV-Thứ tư, ngày 10/07/2024 15:41 GMT+7

Cảnh báo khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng"

VTV.vn - Theo ước tính của S&P Global Intelligence, số lượng hồ sơ phá sản của các công ty Mỹ trong tháng 6/2024 đã đạt mức cao nhất trong một tháng kể từ đầu năm 2020.

Tốc độ phá sản của các công ty Mỹ tăng nhanh

Theo một báo cáo được S&P công bố ngày 9/7, ít nhất 75 công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong tháng 6/2024, nâng tổng số của năm nay lên 346 hồ sơ. Con số này cũng vượt qua số liệu nửa năm được ghi nhận trong 13 năm qua.

Tốc độ phá sản của các công ty Mỹ đã tăng nhanh so với những tháng đầu năm nay. Theo hãng xếp hạng tín dụng này, các vụ phá sản đã bắt đầu tăng vọt kể từ tháng 4/2024. Tình hình này được so sánh với những tháng bận rộn nhất trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến một số công ty phải ngừng hoạt động.

Nhà sản xuất xe điện Fisker Group Inc. đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 17/6, cùng với công ty mẹ Fisker Inc.

Fisker đã tạm dừng sản xuất mẫu xe SUV Ocean chiến lược của mình trong tháng 3/2024 khi họ tìm kiếm nguồn tài trợ và một giao dịch tiềm năng với một nhà sản xuất ô tô lớn hơn.

Tháng trước, Chicken Soup for the Soul Entertainment, công ty điều hành các ki-ốt cho thuê DVD Redbox và trang web phát trực tuyến Crackle, cũng đã nộp đơn xin phá sản.

S&P cho biết lãi suất cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi tiêu chậm lại của người tiêu dùng đã thúc đẩy làn sóng đóng cửa công ty.

Trong số các công ty nộp đơn xin phá sản, theo S&P, số công ty phá sản trong lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục dẫn đầu so với các lĩnh vực khác, với tổng cộng 55 vụ phá sản trong năm nay và 16 vụ nộp đơn phá sản mới được đăng ký trong tháng 6/2024.

Lĩnh vực y tế và công nghiệp lần lượt ghi nhận số vụ phá sản cao thứ hai trong năm 2024, với 40 vụ mỗi lĩnh vực.

Số vụ phá sản tại Mỹ cao kỷ lục - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị ứng phó với xu hướng gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ của Mỹ

Gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị ứng phó với xu hướng gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ của Mỹ, điều mà theo thời gian có thể hạn chế sự phục hồi được kỳ vọng về thị trường này.

Trong khi các thị trường trái phiếu kể từ đầu năm tới nay chủ yếu chịu tác động từ những dự đoán về mức hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), những lo ngại về tài chính có thể sẽ nổi lên khi cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11 đến gần. Các nhà phân tích và giới đầu tư cho rằng giảm thâm hụt ngân sách dường như không phải là ưu tiên chính sách của Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.

Một số nhà đầu tư đã phân bổ nguồn vốn để tránh thua lỗ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng. Cũng có tâm lý lo ngại rằng sự không chắc chắn về số nợ cần phát hành có thể làm mất ổn định thị trường trái phiếu trị giá 27.000 tỷ USD, vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Người phụ trách thu nhập cố định tại Newton Investment Management, Ella Hoxha, cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 4,4% có thể tăng lên 8-10% trong vài năm tới. Về dài hạn, điều này là không bền vững.

Theo ông Andrew Hollenhorst, chuyên gia trưởng về kinh tế Mỹ của ngân hàng Citigroup, thị trường lao động xấu đi sẽ là nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ nhanh chóng trở nên xấu đi. Trên thực tế, ông nhận thấy sẽ có sự thay đổi đột ngột trong tình hình kinh tế Mỹ vào cuối năm nay.

Ông Hollenhorst cho hay các công ty đang hạn chế tuyển dụng hơn, cũng như yêu cầu công nhân làm việc ít giờ hơn. Vì vậy, quá trình suy yếu kinh tế dần dần này đã bắt đầu. Xu hướng này sẽ ngày một lan rộng và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào kết thúc "hạ cánh cứng".

Mặc dù dữ liệu thị trường lao động gần đây không nhất thiết chỉ ra tình huống nghiêm trọng như vậy, ông Hollenhorst lập luận rằng một số báo cáo cho thấy một môi trường bi quan hơn nhiều người có thể nhận ra. Hạ cánh cứng là một viễn cảnh rắc rối vì có thể xảy ra một cuộc suy thoái toàn diện.

Ông trích dẫn dữ liệu khảo sát từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia Mỹ (NFIB) rằng ý định tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Và nếu nhìn vào tổng thể nền kinh tế, tỷ lệ tuyển dụng hiện nay đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nói cách khác, các doanh nghiệp Mỹ đang có tỷ lệ tuyển dụng thấp nhất trong một thập kỷ.

Các nhà phân tích khác cũng lên tiếng cảnh báo khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng" vì sự suy thoái của thị trường lao động. Nhà dự báo kỳ cựu Danielle DiMartino Booth cho biết, số lượng việc làm bị cắt giảm mạnh cho thấy một cuộc suy thoái đã đến.

Còn theo một khảo sát hàng năm do Fed thực hiện hồi tháng 5/2024, lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn nhất liên quan đến tài chính. 65% số người trưởng thành cho rằng giá cao đã khiến tình hình tài chính của họ khó khăn hơn, dù lạm phát giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức khoảng 9% vào tháng 6/2022 xuống dưới 4% vào thời điểm khảo sát được thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước