Sốt ruột với đầu tư công
Một trong những nỗi lo của đầu tư công năm nay đó là tính đến hết tháng 4, vẫn còn trên 61.000 tỷ đồng vốn kế hoạch 2021 chưa được phân bổ. Vốn có mà chưa thể triển khai sẽ là một lãng phí không nhỏ.
Một phần nguyên nhân là do quy định mới của Luật Đầu tư công, cụ thể, chỉ sau khi Quốc hội khóa mới quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì mới được phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án mới. Do vậy, nhiều dự án dự kiến khởi công trong năm nay vẫn đang phải nằm chờ.
Theo thông tin của báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực rà soát, thẩm định để kịp tổng hợp, báo cáo Chính phủ Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 vào ngày 20/5 tới.
Dù thời gian không còn nhiều, song vẫn còn các bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo. Vì vậy, kế hoạch chưa thể sớm hoàn thành, trình Chính phủ và tới đây là trình Quốc hội thông qua. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của riêng năm 2021, mà còn cả giai đoạn 5 năm.
Loại toàn bộ đề xuất của địa phương
Trong Quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, Cục Hàng không đề xuất tới năm 2050, chỉ bổ sung thêm 1 sân bay mới so với quy hoạch cũ. Đồng nghĩa, hàng loạt đề xuất sân bay của các địa phương như: Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh... đã bị Cục Hàng không loại.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn quy hoạch cần dựa trên cơ sở khả thi, có thể bổ sung quy hoạch một số sân bay mới, nhưng cần rõ quan điểm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Địa phương đề xuất lên phải tự tìm nhà đầu tư và đối ứng bằng ngân sách tự có.
Tờ Tiền Phong dẫn ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Anh Dũng cho rằng mỗi sân bay trong quy hoạch đều tính toán trên nhiều yếu tố, từ nhu cầu đi lại, khoảng cách, mạng đường bay trên không, chi phí đầu tư...
Cục Hàng không đề xuất tới năm 2050, chỉ bổ sung thêm 1 sân bay mới so với quy hoạch cũ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hiện sân bay lượng khách dưới 2 triệu một năm đều phải bù lỗ, nên dù đầu tư ngân sách hay tư nhân đều phải tính tới hiệu quả, không lãng phí nguồn lực xã hội.
Thời trang Việt lép vế trước đại gia ngoại
Khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài có cửa hàng chính thức tại Việt Nam, phủ sóng từ phân khúc hàng bình dân tới cao cấp.
Theo Euromonitor, 3 doanh nghiệp trong top 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất tại Việt Nam đều nằm trong tay các ông chủ ngoại, kế đến mới là một số thương hiệu Việt như: Canifa, Biti's, Việt Tiến, May 10...
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do mẫu mã thiết kế của thời trang Việt nghèo nàn, quy mô nhỏ, nặng về gia công dù chất liệu được cải thiện nhiều năm.
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng quần áo. (Ảnh: Dân trí)
Trang VnExpress dẫn ý kiến của một đại diện doanh nghiệp cho rằng, để một thương hiệu "đi đường dài trên thị trường thời trang" phải có tư duy mới trong sản xuất, sáng tạo sản phẩm, hay thay đổi mô hình tiếp thị... Phát triển mạnh kênh bán online, hay "chi bạo" cho làm thương hiệu thông qua các gương mặt nổi tiếng (KOL)... là những xu hướng nên được các nhãn hàng đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!