Công nghệ thực tế ảo thực sự đã tạo nên cơn sốt cho các hãng công nghệ lớn chạy đua nghiên cứu và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: giải trí, y học, giáo dục hay quân sự. Không đứng ngoài xu thế, công nghệ này cũng được một số start up của Việt Nam nghiên cứu ứng dụng, bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, con đường đến thành công của họ còn gặp khá nhiều gian nan, thử thách.
Đi lại giữa các phòng; ngắm từng chi tiết, đồ vật; đổi màu nội thất; hay thậm chí, thay đổi các vật dụng theo ý thích... tất cả những tính năng này đều có thể trải nghiệm ngay cả khi căn hộ của bạn còn chưa thành hình. Nhờ đó, người dùng có thể tự thiết kế nội thất, trải nghiệm nhà mẫu trước khi mua một cách chân thực nhất. Đây chỉ là một trong số những ứng dụng được anh Nguyễn Trí Quang - một sáng lập viên - áp dụng thành công.
Mặc dù được giới chuyên gia đánh giá rất cao, nhưng cho đến nay, các ứng dụng tiềm năng này vẫn chưa được thương mại hóa, thậm chí chưa được nhiều người biết tới.
Hay như một start up sinh viên khác, dù hướng đến phân khúc giá rẻ, Việt Anh cùng 1 người bạn nữa đã tự sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm chiếc kính thực tế ảo. Nhưng sau 2 năm, nhóm đã ngừng sản xuất do không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm từ các nước khác tràn vào.
Theo các chuyên gia, cạnh tranh về giá không phải là một chiến lược thông minh, mà cần tìm ra điểm khác biệt của mình và gia tăng các giá trị cho sản phẩm để nó trở thành nhu cầu của thị trường, hay giải quyết được những vấn đề lớn của khách hàng khiến họ sẵn sàng chi trả.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài việc tự hoàn thiện sản phẩm, các start up cũng nên tìm đến các vườn ươm chuyên nghiệp để được tư vấn và hỗ trợ những hạn chế chung của các start up công nghệ như xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng cáo hay quản trị tài chính, nhân sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!