Ngày Độc thân tại Trung Quốc yên ắng hơn mọi năm
Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân là một sự kiện lớn dành cho các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc. Năm ngoái, người tiêu dùng đã chi 74 tỷ USD cho các nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba trong 11 ngày diễn ra lễ hội. Đối thủ của Alibaba là JD.com cũng ghi nhận doanh thu 40 tỷ USD trong khoảng thời gian tương tự.
Người tiêu dùng đã chi 74 tỷ USD cho các nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba trong mùa mua sắm Ngày độc thân 2020 (Nguồn: ABC News)
Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - thường tổ chức một buổi dạ tiệc lớn vào đêm trước ngày 11 tháng 11. Các buổi dạ tiệc trước đây có sự góp mặt của các siêu sao nổi tiếng thế giới như Katy Perry, Taylor Swift... Một thiết bị đo sẽ được sử dụng để thống kê theo thời gian thực số tiền mà người tiêu dùng chi tiêu trên các nền tảng của Alibaba như Taobao và Tmall. Lễ hội mua sắm này được xem như một phong vũ biểu về sức tiêu thụ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo The Washington Post, tại quê hương của ngày hội mua sắm "lễ độc thân", năm nay có vẻ yên ắng hơn so với thường lệ, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung", đồng thời gia tăng sức ép lên các hãng công nghệ.
Khác với mọi năm, buổi dạ tiệc trực tuyến Ngày Độc thân đã được Alibaba tổ chức và phát trực tiếp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở một số địa phương tại Trung Quốc. Hãng thương mại điện tử này cho biết họ đang tập trung vào tính bền vững, tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội. Đây là những động thái phù hợp với các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và "thịnh vượng chung" của chính phủ Trung Quốc (nhằm hạn chế tình trạng bất bình đẳng kinh tế và tiêu dùng quá mức).
Các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, JD.com hiện đang phải đối mặt với sức ép lớn từ các biện pháp của chính phủ. (Nguồn: Reuters)
"Bầu không khí lễ hội năm nay đã im ắng hơn, do các yếu tố kinh tế, cạnh tranh và cả sức ép từ các quy định", ông Michael Norris, Giám đốc chiến lược nghiên cứu tại AgencyChina, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. "Về mặt quy định, các nền tảng thương mại điện tử đang cố gắng điều chỉnh mức độ tiêu dùng xa hoa trong quá khứ, để phù hợp với mục tiêu thịnh vượng chung."
Năm nay, Alibaba cũng chú trọng đến tính bền vững, thiết lập các điểm tái chế bao bì và hợp tác với các thương hiệu để phát triển bao bì thân thiện với môi trường hơn. Khách hàng có thể quyên góp một phần lợi nhuận từ việc mua hàng cho tổ chức từ thiện hoặc dự án mà họ lựa chọn.
Các động thái điều chỉnh của Alibaba diễn ra sau khi hãng phải nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD từ giới chức Trung Quốc vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Bắc Kinh hiện đang tăng cường giám sát lĩnh vực công nghệ và tiến tới hạn chế các hoạt động độc quyền làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thách thức lớn, nhưng doanh số vẫn sẽ tăng
Năm nay, các công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com, vốn là các ông lớn chiếm thị phần nhất, nhì Trung Quốc, đã khởi động các chương trình khuyến mãi từ 20/10. Nhờ khởi động sớm hơn và các chương trình khuyến mãi khủng, Ngày độc thân 2021 đã thu hút được con số kỷ lục 290 nghìn thương hiệu tham gia (nhiều hơn 90 nghìn so với hai năm trước) và hơn 14 triệu ưu đãi giảm giá.
Sự kiện mua sắm năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, và phải đối mặt với nhiều sức ép từ dịch bệnh, lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh số bán hàng trong Ngày Độc thân năm nay có thể sẽ bị ảnh hưởng khi nhu cầu của người tiêu dùng yếu hơn, cũng như sự thiếu hụt một số sản phẩm do khủng hoảng năng lượng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Sự kiện Ngày Độc thân diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng chậm, nhu cầu tiêu dùng yếu (Nguồn: CNBC)
"Các hãng bán lẻ đã có một năm khá trầm lắng, với tăng trưởng bán lẻ yếu và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm", chuyên gia Norris nói. "Cuộc khủng hoảng năng lượng càng làm vấn đề thêm trầm trọng, bởi ngay cả khi nhu cầu bùng nổ hơn, các doanh nghiệp cũng chưa chắc đã có thể đáp ứng được."
Theo chuyên gia Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị WPIC, các mức giảm giá cực sâu sẽ ít phổ biến hơn so với các đợt giảm giá trong Ngày Độc thân trước đây. "Chúng ta sẽ thấy các chiến lược như quà tặng phiên bản giới hạn đang trở nên thịnh hành hơn thay vì việc bán bán phá giá các mặt hàng với mức chiết khấu lên tới 90%. Lý do là bởi tình trạng khan hàng nên cung không đủ cầu."
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, ông Cooke cho rằng, doanh số của Ngày Độc thân vẫn được dự báo sẽ rất khả quan, với mức tăng trưởng hàng năm có thể đạt 30 – 35%.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc vẫn rất lạc quan vào triển vọng doanh thu từ Ngày Độc thân năm nay (Nguồn: AP)
Các hãng bán lẻ cũng tỏ ra lạc quan. Hãng thương mại điện tử Alibaba dự đoán, Ngày lễ độc thân năm nay sẽ là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất từ trước tới nay của hãng, trong khi JD.com kỳ vọng, doanh số bán hàng của hãng trong dịp này sẽ tăng gấp đôi, với 1200 danh mục sản phẩm mới. Ông Lu Fei - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp và Tiêu dùng JD nhận định "Đại dịch đã khiến doanh số của toàn thị trường ở mức tương đối thấp trong năm 2020. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất hiện trong năm 2021".
Các nhân viên JD.com đang thực hiện công tác điều phối, xử lý các đơn hàng tại trụ sở ở Bắc Kinh (Nguồn: Washington Post)
Bán hàng qua livestream trở thành động lực chính
Bán hàng qua hình thức phát video trực tuyến được coi là một động lực chính, thúc đẩy doanh số của Ngày độc thân năm nay tại Trung Quốc.
Ngay từ cuối tháng 10, anh Yang Guang – một người bán hàng qua hình thức livestream đã liên tục bận rộn với các buổi phát video giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Anh cho biết, trong giai đoạn khởi động của lễ hội mua sắm, doanh số đã tăng mạnh, khi khi ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng qua livestream, để được hưởng các chương trình ưu đãi hấp dẫn. "Trong dịp lễ độc thân, chúng tôi triển khai nhiều sự kiện, cung cấp nhiều ưu đãi cho khách hàng thông qua các buổi phát trực tiếp. Hàng năm, doanh số bán hàng qua hình thức này vào dịp lễ độc thân thường tăng ít nhất 50% so với thông thường".
Anh Yang Guang tiến hành quảng cáo, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng bằng hình thức livestream (Nguồn: AP)
Tuy nhiên, anh cũng cho biết thời gian mua sắm kéo dài và các chương trình giảm giá phức tạp có thể gây khó chịu cho cả người mua và người bán. "Do vậy, với tư cách là những người phát trực tiếp, chúng tôi phải nghĩ ra các chiến lược khác nhau để tạo sự thú vị trong mỗi lần phát trực tiếp nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng."
Theo Washington Post, việc các nền tảng video ngắn phổ biến như Kuaishou và Douyin của Bytedance, lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử, đang tạo điều kiện cho các nền tảng thương mại điện tử truyền thống như Alibaba và JD.com gia tăng doanh số. Những người phát trực tiếp trên nền tảng video có thể bán trực tiếp cho người mua hàng thông qua các buổi livestream. Trong năm ngoái, Douyin đã ghi nhận các giao dịch trị giá 2 tỷ nhân dân tệ (313 triệu USD) chỉ riêng trong ngày 11/11.
Việc bán hàng thông qua các đoạn video ngắn đã trở thành động lực chính, thúc đẩy doanh số bán hàng trong Ngày Độc thân tại Trung Quốc (Nguồn: AP)
"Về mặt thương mại, việc bán hàng thông qua các đoạn video ngắn sẽ mang lại doanh số lớn vì đó là nơi tất cả mọi người đều tập trung chú ý", chuyên gia Cooke cho biết. "Những người bán hàng qua hình thức phát video trực tuyến đã đảm nhận những phần việc phức tạp nhất, giải thích cho người tiêu dùng về các hình thức giảm giá khác nhau, cũng như cách thức tìm kiếm những ưu đãi tốt. Điều này giúp người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn, và rõ ràng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng".
Ngày Độc thân sôi động tại một số quốc gia
Tại một số quốc gia khác trong vực, Ngày Độc thân cũng được coi là cơ hội lớn với các hãng bán lẻ, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần nối lại hoạt động sau quãng thời gian bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19.
Tại Australia, thành công của Ngày độc thân trong năm ngoái, với khoản doanh thu hơn 1 tỷ USD đã truyền cảm hứng ch các nhà bán lẻ khác, tiếp tục tham gia vào sự kiện mua sắm năm nay.
Umall – một ứng dụng mua sắm phục vụ cộng đồng người Australia gốc Hoa đã mô phỏng hoạt động bán hàng Ngày Độc thân tại Trung Quốc bằng cách cung cấp cho người dùng các phiếu giảm giá mua sắm. Các nhà sản xuất như Dyson Australia cũng tung ra chương trình khuyến mãi Ngày Độc thân hồi đầu tuần này.
Nhóm khách hàng gốc Hoa, có nhu cầu cao với hàng xa xỉ sẽ là đối tượng được các hãng bán lẻ Australia nhắm đến trong Ngày Độc thân (Nguồn: ABC News)
Trong khi đó, hãng bán lẻ David Jones đã thông báo trong một bài đăng trên WeChat rằng, hãng sẽ có một sự kiện phát trực tiếp nhân Ngày Độc thân. Chia sẻ với ABC News, phát ngôn viên của hãng cho biết, đang tập trung vào nhóm người tiêu dùng gốc Hoa, có nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa xa xỉ. "David Jones đang chứng kiến sự gia tăng doanh số đáng kể. Do đó, chúng tôi đang mở rộng quy mô sự kiện lớn hơn so với năm ngoái."
Còn tại Singapore, các doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng, dịp mua sắm Ngày Độc thân năm nay sẽ ghi nhận doanh số bùng nổ, trong bối cảnh người tiêu dùng đã quen thuộc hơn với hình thức mua sắm trực tuyến. Ông Taranjeet Singh – giám đốc điều hành Criteo khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ nhận định "Những dữ liệu của chúng tôi cho thấy, ngày 11/11 sẽ tiếp tục là một trong những ngày mua sắm phổ biến nhất ở Singapore."
Việc người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với mua sắm trực tuyến được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng Ngày Độc thân tại Singapore (Nguồn: CNA)
Tương tự, nền tảng thương mại điện tử Lazada cũng cho biết, năm 2020 đã tạo ra những tiền đề cho sự phát triển của hoạt động mua sắm trực tuyến. "Việc sử dụng thương mại điện tử đã tăng tốc kể từ đầu năm 2020. Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu giao dịch tăng vọt trong 20 tháng qua, khi người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với phương thức mua sắm mới. Chúng tôi lạc quan rằng, ngày 11/11 năm nay sẽ lại phá vỡ các kỷ lục."
Theo Ray Chou – giám đốc công ty cung ứng dịch vụ hậu cần Ninja Van tại Singapore, ngay cả với sự bùng nổ của các ngày hội mua sắm khác như 9/9 và 10/10, Ngày độc thân 11/11 vẫn là một sự kiện nổi bật trên các nền tảng thương mại điện tử, và có hy vọng đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất trong năm. "Miễn là bạn tiếp tục đưa ra các đề nghị hấp dẫn, người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục chi tiêu", ông Ray Chou khẳng định, đồng thời cho biết, công ty của ông đã chuẩn bị cho việc vận chuyển khối lượng bưu kiện tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Các công ty vận chuyển, hậu cần như Ninja Van đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng lượng đơn hàng tăng đột biến trong Ngày Độc thân (Nguồn: CNA)
Các công ty hậu cần khác cũng đặt ra kỳ vọng tương tự. J&T Express Singapore đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số trong ngày lễ Độc thân 2 năm vừa qua, và năm nay, theo giám đốc điều hành Andrew Sim, "mọi thứ sẽ không có gì khác biệt".
Trong khi đó, tại UrbanFox, giám đốc điều hành Joe Choa cho biết, công ty dự đoán, trong năm nay, số lượng hàng hóa sẽ cao hơn đáng kể so với bình thường, khi lượng người mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng, và nhiều thương hiệu đã thiết lập các cửa hàng kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu khách hàng, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Nguồn: Washington Post, ABC News, Channel News Asia, Aljazeera
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!