Sự tham gia của tư nhân - nguồn lực quan trọng phát triển thị trường lao động

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/11/2021 15:56 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, sự tham gia của tư nhân là nguồn lực quan trọng để phát triển thị trường lao động.

Sáng nay (11/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các thành viên khác của Chính phủ. Nhiều vấn đề liên quan đến các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động sau dịch bệnh đã được các đại biểu nêu ra, trong đó có vấn đề đẩy mạnh thu hút các nguồn lực tư nhân vào đào tạo nghề nghiệp, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp để phát triển thị trường lao động trong lĩnh vực này.

Trước ý kiến của đại biểu về hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sự tham gia của tư nhân là nguồn lực quan trọng để phát triển thị trường lao động. Nhằm thu hút nguồn lực này, các cơ quan chức năng sẽ rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng lao động, trong đó chú trọng các chính sách về vốn, thuế.

"Ở một số lĩnh vực, ngân sách Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn toàn, nhưng có những lĩnh vực, ngành nghề nhà nước giữ vai trò dẫn dắt và vốn mồi là chủ yếu, tiến hành hỗ trợ cho doanh nghiệp một số vấn đề như năng lực đào tạo, năng lực dự báo, triển khai nền tảng số về thông tin, thị trường lao động để doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án đào tạo và quyết định hỗ trợ lao động", Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Sự tham gia của tư nhân - nguồn lực quan trọng phát triển thị trường lao động - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, một lượng lớn lao động đã dịch chuyển từ các địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp trở về quê. Một số đại biểu đặt câu hỏi làm thế nào để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết tình trạng "ly nông nhưng không ly hương" để thị trường lao động phát triển ổn định và bền vững.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chủ trương thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã được Đảng và Nhà nước đề ra, nhưng muốn hiện thực hóa cần phải giải quyết được các nút thắt lớn như: quy hoạch, hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính và định hướng thu hút, xúc tiến đầu tư.

"Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có lẽ chúng ta không nên tiếp cận các dự án có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, mà nên tập trung chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, tài chính hay nghiên cứu phát triển. Theo đó, các cơ hội khác thì các địa phương khác sẽ được tiếp cận tốt hơn", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Nghị định 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã được thực hiện trong thời gian dài nhưng kết quả còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do các địa phương chưa tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Điển hình giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có 24 địa phương có kế hoạch bố trí vốn cho hạng mục này, nhưng số vốn rất ít, chỉ khoảng 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Nghị định 57 đang được lấy ý kiến lần cuối để sửa đổi, theo hướng ngoài nguồn vốn địa phương sẽ bổ sung thêm các nguồn lực khác như vốn ngân sách trung ương, vốn của các bộ, ngành và sự tham gia của các tổ chức tín dụng nhằm thu hút đầu tư, góp phần phát triển thị trường lao động nông nghiệp trong tình hình mới.

Đến lúc cần khôi phục thị trường lao động Đến lúc cần khôi phục thị trường lao động

VTV.vn - Dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, song để lại những ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước