Sự thật nào đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 24/10/2020 12:54 GMT+7

VTV.vn - Liên tục những con số được công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu vực dậy sau một trận "ốm" dài.

Theo thống kê, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng đạt mức 4,9% trong quý III. Động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc đến từ 3 lĩnh vực: Xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, và đầu tư tài sản cố định.

Chuyên gia Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF Jonathan Ostry cho biết Trung Quốc xuất khẩu rất tốt trong những tháng vừa qua vì đã sản xuất và bán ra những mặt hàng đang có nhu cầu cực cao trên toàn thế giới. Cụ thể, xuất khẩu quý III của Trung Quốc đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi nhập khẩu tăng hơn 4%.

Sự thật nào đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc tăng mạnh trong quý III

Còn với sản xuất công nghiệp, các nhà máy tại quốc gia này bắt đầu vận hành mạnh mẽ trở lại sau nhiều tháng nguội lạnh. Đầu tư bất động sản đang trụ vững ở mức tăng trưởng 2 con số, kéo theo sự hứng khởi ở những ngành như xây dựng hay sản xuất thép.

"Ngành sản xuất thép trên toàn cầu đang đi xuống. Đây là cơ hội để Trung Quốc tăng năng suất. Tôi dự báo cuối năm, Trung Quốc sẽ chiếm 60% sản lượng thép toàn cầu", Chủ tịch Viện Quy hoạch và nghiên cứu luyện kim Trung Quốc Li Xinchuang nói.

Và cuối cùng đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc, như hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, đã tăng 0,8% - lần tăng đầu tiên trong cả 9 tháng đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị cũng giảm đáng kể.

Điểm yếu

Tuy nhiên, nền kinh tế tỷ dân vẫn còn một điểm yếu chưa hồi phục. Đó chính là tiêu dùng, khi tính chung trong 9 tháng đầu năm, tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn đang sụt giảm 7,2%.

"Trung Quốc đang phục hồi kinh tế với tốc độ rất nhanh sau dịch bệnh, ở lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Nhưng miếng ghép cuối cùng còn thiếu chính là tiêu dùng và bán lẻ. Nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn ì ạch và chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Đặc biệt là những người sống ở các đô thị loại 2, 3 và 4 - họ có thu nhập thấp hơn", bà Sara Hsu - CEO của China Rising Capital Forecasts cho biết.

Điều này đồng nghĩa với việc sự phục hồi ấn tượng trong thời gian qua của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận quá nhiều sự đóng góp từ lĩnh vực tiêu dùng.

Sự thật nào đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Dù giảm song tiêu dùng Trung Quốc vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực

Đã từng có những lo ngại về việc đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc sẽ không bền vững khi tiêu dùng vẫn bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, sự lo ngại đó giờ đã phần nào lắng dịu, bởi chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đang bắt đầu tăng tốc trở lại khi người dân đã có điều kiện để chi tiêu và sẵn sàng chi tiêu khi dịch bệnh đã được kiểm soát và thu nhập được cải thiện. Sự tăng tốc của tiêu dùng đã giúp cho động lực phục hồi kinh tế Trung Quốc cân bằng và bền vững hơn.

Theo đó, chi tiêu tiêu dùng dù vẫn giảm 7,2% trong 9 tháng đầu năm, nhưng đã có sự tăng trưởng trong hai tháng gần đây với mức tăng 3,3% trong tháng 9. Tính chung cả quý III, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,9% và là quý đầu tiên tăng trưởng.

Chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp 1,7 điểm phần trăm, tức khoảng hơn 1/3 trong mức tăng trưởng 4,9% của quý III.

Trong kỳ nghỉ Quốc khánh vừa qua, gã khổng lồ thương mại điện tử Suning cho biết, số đơn đặt hàng đã tăng tới 58% so với cùng kỳ. Trong đó, đơn hàng đồ gia dụng, đồ trang trí và điện thoại di động tăng tới 157%.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và nhu nhập cải thiện khi kinh tế phục hồi, nên người dân đã có điều kiện để chi tiêu và đã sẵn sàng để chi tiêu trở lại.

"Bây giờ sinh hoạt gần như bình thường rồi. Chỉ cần đeo khẩu trang là có thể ra ngoài mua sắm hay ăn uống, không phải lo lắng nhiều. Tôi vẫn chi tiêu như năm ngoái thôi", người dân Thành phố Bắc Kinh cho biết.

Theo Giáo sư Lưu Anh - trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, quan trọng nhất hiện nay là người dân đã có sự giải phóng về tư tưởng. Mặc dù hiện vẫn có những ca bệnh từ nước ngoài nhập cảnh vào, nhưng mọi người nghĩ rằng, dịch bệnh đã đi qua và có thể yên tâm ra ngoài để chi tiêu. Điều này sẽ tiếp tục giải phóng nhu cầu tiêu dùng, ăn uống và các ngành dịch vụ khác trong thời gian tới.

Quy mô tiêu dùng của Trung Quốc năm 2019 lên tới 5.800 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Nhờ tiêu dùng bắt đầu tăng tốc mạnh thời gian gần đây, Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong năm nay.

Sự thật nào đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc? - Ảnh 3.

Các nền tảng thương mại điện tử lớn tại nước này đang đẩy mạnh chuẩn bị cho đợt mua sắm lớn nhất thế giới sẽ diễn ra vào ngày Độc thân 11/11

Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu thường được ví là cỗ xe tam mã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự tăng tốc của tiêu dùng gần đây, đã giúp cho động lực phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cân bằng và bền vững hơn, tạo đà để nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới tiếp tục phục hồi mạnh trong thời gian tới.

Theo truyền thông Trung Quốc cho biết các nền tảng thương mại điện tử lớn tại nước này đang đẩy mạnh chuẩn bị cho đợt mua sắm lớn nhất thế giới sẽ diễn ra vào ngày Độc thân 11/11 tới. Alibaba, JD.com đều đang lên kế hoạch cho các sự kiện giảm giá hấp dẫn, nhằm thu hút người mua trong dịp lễ này. Các nhà phân tích kỳ vọng, doanh thu từ ngày Độc thân năm nay, thậm chí có thể vượt qua mức 61 tỷ USD của năm ngoái. Mới đây, Alibaba cũng đã mạnh tay chi 3,6 tỉ USD để thâu tóm chuỗi đại siêu thị Sun Art, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang cố gắng nắm bắt cơ hội từ thị trường này. Đặc biệt là các thương hiệu hàng cao cấp, vốn đang lao đao tại các thị trường khác do tác động từ đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến doanh số bán hàng tại các thị trường khác sụt giảm, các thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu đều cho biết sẽ tập trung toàn lực vào thị trường Trung Quốc trong năm nay. Nhiều cửa hàng mới đã được mở, các sự kiện trực tiếp cho người tiêu dùng được tổ chức và hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh.

Hoạt động mua sắm hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã gia tăng trở lại kể từ tháng Ba, khi đại dịch dần được kiềm chế. Hầu hết các thương hiệu đều báo cáo doanh số tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó, Louis Vuitton và Prada đạt mức trên 60%.

Theo McKinsey, trong năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm tới 37% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu trị giá 300 tỉ USD. Còn trong năm nay, tỷ lệ này có thể tăng mạnh, lên tới trên 50%, qua đó bù đắp phần nào cho sự sụt giảm mạnh của các nhãn hàng xa xỉ tại nhiều thị trường toàn cầu.

Sự thật nào đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc? - Ảnh 4.

Như vậy, cũng giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sau khi đã làm khá tốt lĩnh vực chi tiêu đầu tư công, Trung Quốc cũng đang cố gắng tận dụng dư địa vẫn còn rất lớn của thị trường trong nước để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Một thị trường 1,4 tỷ dân rõ ràng là lợi thế quá lớn để kinh tế Trung Quốc có thể vượt trước các nước khác trong cuộc đua này, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước