Giữ đà hồi phục, Trung Quốc đang là “đầu tàu” của kinh tế thế giới

Anh Quang-Thứ ba, ngày 20/10/2020 18:33 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo mới nhất của WB và IMF đều cho rằng, Trung Quốc đang giữ vai trò là một trong những "đầu tàu" tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế thế giới.

Minh chứng rõ rệt nhất chính là sức tăng tới 4,9% GDP quý III công bố hôm qua (19/10). Tuy nhiên để giữ được nhịp độ tăng trưởng như hiện nay Trung Quốc đang tính tới chiến lược kinh tế mới.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" cập nhật tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020, với mức tăng 1,9%.

Còn Ngân hàng thế giới WB, lạc quan hơn khi nâng mức tăng trưởng của Trung Quốc lên tới 2%, tức gấp đôi mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Bà Gita Gopinath - chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Có hai lý do cho sự tăng trưởng này của Trung Quốc: Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu đang tăng trưởng khả quan hơn dự báo; Thứ hai, đầu tư công đang được tăng mạnh vào cơ sở hạ tầng".

Giữ đà hồi phục, Trung Quốc đang là “đầu tàu” của kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đang đóng góp lớn vào đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, những yếu tố trên được các chuyên gia đánh giá chỉ giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng trong ngắn hạn. Bởi đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể chấm dứt ngay và những bất ổn trong quan hệ với Mỹ sẽ còn tăng dù ai là Tổng thống tiếp theo của nước này.

Một mô hình phát triển kinh tế mới có tên "Tuần hoàn kép" đang liên tục được truyền thông Trung Quốc đăng tải kể từ tháng 7. Mô hình này lấy thị trường nội địa là trọng tâm phát triển, đưa các khẩu sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào trong nước.

"Khi một nền kinh tế càng lớn, tỷ trọng tiêu dùng nội địa trên GDP sẽ cần lớn hơn trong khi giảm tỷ trọng của xuất khẩu. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, trong đó 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu - một thị trường tiêu dùng quá lớn", ông Lin Yifu - Giám đốc Viện Nghiên cứu cấu trúc kinh tế mới, Đại học Bắc Kinh nói.

Giữ đà hồi phục, Trung Quốc đang là “đầu tàu” của kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Giữ đà hồi phục, Trung Quốc đang là “đầu tàu” của kinh tế thế giới. Ảnh: Chinadaily.

Ông Zhu Min - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính quốc gia, Đại học Thanh Hoa cho biết: "Để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, một cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc với mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, công nghệ đám mây là không thể thiếu. Do vậy Bắc Kinh đang đổ rất nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng thời điểm này. Nó sẽ vừa giúp đẩy mạnh phục hồi vừa tạo ra một đà tăng trưởng mới hậu COVID-19".

Một số chuyên gia cho rằng, việc để đồng Nhân dân tệ tăng giá tới 4% kể từ đầu năm và vượt ngưỡng kỹ thuật 6,7 Nhân dân tệ đổi 1 USD cho thấy Trung Quốc đang để đồng nội tệ được điều tiết linh hoạt hơn thay vì cần sự can thiệp của Ngân hàng nhân dân (PBoC), qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu như trước đây.

Rất có thể đây là một sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc để phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng mới và đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước