Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa yêu cầu các Bộ bổ sung ý kiến để sớm sửa đổi Nghị định 15 và Nghị định 30, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư theo hình thức PPP. Đây là một hình thức đầu tư dựa trên sự tham gia của Nhà nước và tư nhân để xây dựng một dịch vụ công, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện tại Việt Nam, cả Nhà nước và nhà đầu tư đều gặp nhiều khó khăn.
Phải mất một thời gian dài, tỉnh Quảng Ninh mới có thể công bố dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đăng tải trên mạng thông tin quốc gia và hơn 2.500 tỷ đồng phần vốn góp của Nhà nước đã sẵn sàng, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.
Hiện phần lớn các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư PPP vẫn chủ yếu ở lĩnh vực hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, sau khi 2 Nghị định về đầu tư PPP được ban hành, 3 dự án lớn của Bộ GTVT với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng thực hiện theo đấu thầu quốc tế PPP cũng đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc thực hiện quy định về vốn chủ sở hữu.
Đó là chưa kể hoạt động đầu tư theo cơ chế PPP còn chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai. Theo đại diện Bộ KH&ĐT, phải tuân thủ tất cả các luật này sẽ khó có sự đột phá, đặc biệt khi muốn thu hút các nhà đầu nước ngoài.
Hiện Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến và trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định 15 và 30 theo hướng đơn giản, thống nhất các thủ tục về PPP vào một Nghị định, bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn hợp pháp vào PPP. Sau đó, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến để xây dựng Luật PPP và trình Quốc hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!