Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, một số nội dung trong dự thảo luật cần được làm rõ để tăng tính khả thi trong thực tế, ví dụ như việc xác định giá đất và bồi thường khi thu hồi đất.
"Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ đề cập một câu về phương pháp định giá đất, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Để dự án luật mang tính hiệu lực cao, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp dụng trong luật đối với các nội dung cụ thể, cách tính", bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất.
"Điều 91 về bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ cá nhân. Trong này có 4 cách đền bù, tôi thấy có nhiều hướng đền bù thì càng tốt, càng thuận lợi cho người dân lựa chọn. Tuy nhiên ở đây tôi thấy có đền bù bằng nhà ở. Khi đất nông nghiệp bồi thường bằng đất nông nghiệp, bằng tiền, hoặc bằng đất khác, hoặc bằng nhà ở. Theo tôi, Ban soạn thảo cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở", ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, nêu ý kiến.
(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Góp ý về đất di tích, di sản, một số đại biểu đề nghị cần có quy định riêng để có chế độ quản lý, sử dụng phù hợp với tính chất đặc thù của loại đất này.
"Đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này", bà Trần Thị Hồng Thanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!