Cuối tuần qua, trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hơn 110 đại biểu đăng ký phát biểu thể hiện sự quan tâm đến dự thảo luật quan trọng này.
Đến thời điểm này, vẫn còn 21 vấn đề lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Theo dõi thảo luận từ Quốc hội, các chuyên gia cho rằng đây là luật khó, phức tạp, còn những vấn đề rất lớn chưa thống nhất, cần phải có thời gian để đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa, tránh tình trạng chồng chéo, chưa rõ ràng khi đi vào thực thi.
"Mặc dù rất gấp gáp, vấn đề phải sửa đổi, nhưng phải xem xét việc sửa đổi có phù hợp, thật sự tháo gỡ, khi còn những điểm gợn,. Chúng ta đừng đặt thêm những điều kiện khác để tạo ra rào cản", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm.
Hiện có nhiều nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được thiết kế 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội, trong đó có vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Câu chuyện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Trên thị trường bất động sản, thủ tục đầu tư của nhiều dự án đang bị chậm lại để chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Thu hồi đất anh có chênh lệch địa tô thì phải tính tới người bị thu hồi đất. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp người dân khiếu kiện đã xảy ra nên trong Luật Đất đai kỳ này phải có những quy định rạch ròi, cụ thể về việc thu hồi đất vì mục đích thương mại, có chênh lệch địa tô phải tính toán tới quyền lợi thích đáng cho người bị thu hồi", ông Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội, tỉnh Đồng Tháp, đề xuất.
"Hiện nay các doanh nghiệp cũng như các tổ chức cá nhân cũng đang mong chờ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới khi thông qua làm sao đảm bảo thực tiễn, giải quyết vướng mắc đó là định được giá đất, trên cơ sở đó chúng ta thực hiện được chủ trương đầu tư", bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, nêu ý kiến.
Được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng hết sức công phu kể từ quá trình tổng kết thi hành, huy động sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Có thể nói, chưa bao giờ các chính sách về đất đai lại được thảo luận sâu rộng như vậy.
"Sau khi có 12 triệu ý kiến của tất cả các đối tượng, người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Quốc hội và Chính phủ giao tổng hợp, sửa đổi các nội dung phù hợp với việc tiếp thu giải trình các ý kiến đóng góp", PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài Nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
Ghi nhận trên thị trường bất động sản cho thấy, thủ tục đầu tư của nhiều dự án đang bị chậm lại, để chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi). Các doanh nghiệp kiến nghị, nếu nhiều vấn đề vướng mắc trong dự thảo luật chưa thể được giải quyết ngay, thì sẽ có một hướng dẫn, "một luật sửa nhiều luật" được ra đời, giúp doanh nghiệp có thể giải quyết được các vướng mắc trước mắt, khơi thông nguồn cung, tránh bị đình trệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!