102 dự án tại Hà Nội, 150 dự án tại TP Hồ Chí Minh, 40 dự án tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác… đang bị "ách tắc" vì quy định trong Luật Đầu tư khi quyền sử dụng đất không phải là đất ở.
Đại biểu Quốc hội thảo luận sửa đổi quy định Luật Đầu tư
Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận về dự án 1 luật sửa 8 luật. Trong đó nội dung sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Khi những ngày gần đây, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang rất mong chờ những quyết sách mới từ Hội trường Quốc hội. Sau đây là những ghi nhận cụ thể ý kiến các đại biểu Quốc hội từ phiên thảo luận diễn ra sáng nay.
Theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư, nếu dự án không có m2 đất ở nào thì sẽ không thể triển khai nhà ở thương mại. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm dự án bị "ách tắc".
Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về rủi ro thất thoát nguồn lực Nhà nước từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, mấu chốt nằm ở việc kiểm soát mức giá và mục đích chuyển đổi, chứ không nằm ở việc tháo gỡ điểm vướng của luật.
Ông Phan Thái Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nói: "Theo quy định Luật Đất đai, giá là do cơ quan Nhà nước ấn định, do vậy, thất thoát hay không là do định giá không sát thị trường".
Bà Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, nói: "Kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, về việc lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, vì hiện nay địa phương rất lúng túng. Đề nghị phân cấp phân quyền phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể của các địa phương, cơ quan".
Phương án của Chính phủ cũng nêu rõ, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cùng với đó xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định Luật đất đai.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến. Đề cập đến sửa đổi Điểm C Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã gửi lấy ý kiến địa phương, 21/24 địa phương đồng ý việc sửa đổi. Thực tế, quy định hình thức sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại đã phát sinh vướng mắc trong thời gian dài, cần được tháo gỡ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 2 phương án cụ thể để giải quyết tình trạng này.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: "Thứ nhất là phương án theo CP trình, với việc phải rà soát chặt chẽ từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, giá phải nộp ngân sách khi chuyển mục đích sử dụng đất. Thứ hai là phương án theo Ủy ban Pháp luật, là đề án thí điểm riêng cho phương án các loại đất khác không phải đất ở để trình Quốc hội kỳ họp 2 tháng 5/2022 với những người đang có quyền sử dụng đất và phù hợp kế hoạch sử dụng đất".
Doanh nghiệp bất động sản chờ đợi tháo gỡ vướng mắc
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai dự án, nhưng thủ tục pháp lý vướng mắc, lòng vòng đã khiến họ phải gần như tạm dừng triển khai để nghe ngóng.
Lăn lộn trên thị trường bất động sản hàng chục năm nay, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản GP Invest cho biết, việc tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, trong đó có việc điều sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, là gói "hỗ trợ" tốt nhất cho thị trường vào thời điểm này.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản GP Invest, cho biết: "Bản thân chúng tôi cũng đang có một dự án 4 ha cũng đang là đất nhà kho, cũng có quyền sử dụng đất nhưng cũng không được chuyển đổi vì không có một tí đất ở nào trong đó. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn cái này như mong "mẹ về chợ". Vì vậy, có thể nói là chúng tôi rất tha thiết bởi vì cái này đã xảy ra khoảng 2-3 năm nay, nhưng cao điểm là năm 2020 và đến năm 2021 chúng tôi vẫn mong chờ".
Các doanh nghiệp khác cho biết, một dự án bất động sản đang chịu sự chi phối của hàng chục luật khác. Việc tháo gỡ vướng mắc lần này sẽ cởi bỏ được nút thắt rất lớn cho thị trường.
Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Everland, cho biết: "Hiện nay giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư đang có những chồng chéo, vướng mắc. Trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở quy định doanh nghiệp phải có đất ở mới có thể đề suất dự án về nhà ở, nhưng mà khi làm thủ tục chuyển đổi thành đất ở thì lại quy định Dự án phải có phê duyệt. Như vậy, đây là câu chuyện con gà quả trứng khiến nhiều nhà đầu tư bị ách tắc, điều này gây lãng phí rất lớn cho nhà đầu tư cũng như làm thị trường bất động sản phát triển chậm lại".
Cuối tuần vừa qua, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bày tỏ quan điểm xung quanh việc sửa đổi Luật. Hiệp hội cho rằng, nếu các địa phương thực thi pháp luật về đất đai chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ không "xảy ra chuyện doanh nghiệp đi gom đất nông nghiệp" như một số lo ngại trước đó.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Nếu Luật được thông qua, hơn 100 dự án ách tắc tại TP Hồ Chí Minh được giải quyết, tăng cung, tăng nhà ở trên thị trường, giúp cân bằng cung - cầu, kéo giảm giá nhà".
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở năm 2021 đã bị giảm tới 1 nửa so với năm trước đó, trong đó, ách tắc về mặt pháp lý là một trong những nguyên nhân chính. Thậm chí, đây cũng là nguồn cơn của hàng loạt cơn sốt đất tại các tỉnh thành từ đầu năm tới nay.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, tương ứng với sửa đổi luật Nhà ở, cần xem xét và cân nhắc rất kỹ bởi đây là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, vướng mắc từ thị trường lại đang là vấn đề nổi cộm, dẫn tới sự phát triển thiếu bền vững và lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản.
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án một luật sửa 8 luật, trong đó có Luật đầu tư vào phiên họp ngày 11/1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!