Sức mua của người dân giảm mạnh

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 01/09/2021 16:02 GMT+7

(Ảnh minh hoạ - Ảnh: Vũ Sinh)

VTV.vn - Tác động kéo dài của đại dịch đến hoạt động thương mại dịch vụ cũng như sức mua của người dân ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 249,9 nghìn tỷ đồng (giảm 8% và giảm 25,3%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 13,5 nghìn tỷ đồng (giảm 26,3% và giảm 66,9%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 20 tỷ đồng (giảm 78,3% và giảm 97,6%); doanh thu dịch vụ khác đạt 16,4 nghìn tỷ đồng (giảm 27,1% và giảm 64,2%).

Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 2.499,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng mức và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 254,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng mức và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước…

Sức mua của người dân giảm mạnh - Ảnh 1.

Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Vào cuối tháng 8, báo cáo từ World Bank cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình tại Việt Nam. Trong đó thông điệp chung là nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế ngày càng lớn do tình hình kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua.

Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí trước đợt dịch COVID-19 bùng phát tháng 4. Trong tháng 3 năm 2021, 30% các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3 năm 2020, giảm từ tỷ lệ khoảng 50% hồi tháng 01 năm 2021”, báo cáo của World Bank có nêu.

Trước đó vào đầu tháng 7, trong báo cáo tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết,  trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Cũng theo báo cáo, tổng số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý I.

Đáng chú ý Tổng cục Thống kê cho biết thu nhập bình quân tháng của lao động quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý trước

Trong quý II năm 2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464.000 đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước. Trong khi lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291.000 đồng, tương ứng giảm 3,9%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước