Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đưa ra quyết định áp dụng gói nới lỏng định lượng QE với tổng trị giá lên đến 1,1 tỷ Euro vào ngày 22/1, thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ và châu Á đều đã có phiên tăng điểm hết sức ấn tượng. Có vẻ như thị trường toàn cầu đều đánh giá cao quyết định nới lỏng định lượng của ECB.
Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc phỏng vấn với ông Christian Schulz, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng đầu tư Berenberg, Đức về những tác động của gói QE này.
Thưa ông Schulz, việc các thị trường đều phản ứng tích cực, phải chăng đã chứng tỏ QE là một chính sách rất đúng đắn đối với Eurozone vào lúc này?
Đúng vậy, nhất là khi giá trị của gói QE được công bố ngày 22/1 khá cao so với kỳ vọng của thị trường trước đó. Việc ECB quyết tâm bơm một khoản tiền khổng lồ không chỉ được kỳ vọng sẽ cứu kinh tế Eurozone ra khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát, mà nếu QE thành công sẽ có những tác động rất tích cực lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với Mỹ và châu Á là những đối tác chủ chốt của Eurozone.
Nhưng cấu trúc khu vực với 19 nước thành viên và bối cảnh kinh tế có nhiều khác biệt thì ECB sẽ phải thực hiện QE thế nào cho hiệu quả?
Tất nhiên là mức hiệu quả đối với từng nước sẽ khác nhau, bởi Eurozone đang chia thành ba nhóm nước: nhóm 1 là những nước kinh tế rất phát triển, như Đức không cần đến QE, nhóm 2 là những nước đang khủng hoảng trầm trọng như Hy Lạp hay Tây Ban Nha rất cần QE, còn nhóm 3 là những nước có nhiều vấn đề nhưng chưa đến mức khủng hoảng như Pháp.
Để đạt được tiếng nói chung bơm tiền, ECB cũng đã mất rất nhiều thời gian và giờ thì ECB đã phải tính toán rất kỹ, bơm vào nước nào cho phù hợp, tránh cảnh nơi thiếu nơi thừa. Và đừng quên, những chính sách tiền tệ như QE sẽ chỉ có thể vực dậy nền kinh tế trong ngắn hạn. Muốn kinh tế bền vững thì châu Âu vẫn cần tiến hành những biện pháp tái cấu trúc hiệu quả, lâu dài.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.