Tác động hai chiều từ sự sụt giảm giá nhiên liệu

Thanh Ba (VTV8)-Thứ tư, ngày 29/04/2020 09:06 GMT+7

VTV.vn - Sự lao dốc của giá dầu đã gây ra làn sóng giảm phát lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu vốn đang lao đao vì đại dịch COVID-19.

"Cơn lũ" bán tháo dầu thô của các nhà đầu tư bắt đầu từ những ngày đầu tháng 3 để phản ứng với mức sụt giảm 30% của sức cầu trên thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, gây đóng băng các hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Tuần này chính thức là tuần thứ 8 giá dầu thế giới liên tục ghi nhận mức giảm sâu. Đặc biệt, rạng sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới sau khi giá dầu thô WTI giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Lúc đầu, mức giá rơi xuống -40,32 USD/thùng, sau đó quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm (dưới 0 USD/thùng) và là mức giá thấp nhất trên sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983.

Do tình trạng dư cung vì nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm hơn 30% và kho dự trữ dầu của Mỹ, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã quá tải, giá dầu có thể còn tiếp tục rơi tự do khi dự báo nhu cầu dầu có thể giảm tới 29 triệu thùng/ngày, xuống mức tiêu thụ dầu thấp nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Sự sụp đổ của giá dầu đã cướp đi hàng chục nghìn việc làm, làm đóng băng hàng tỷ USD tiền đầu tư, khiến hàng nghìn công ty trong ngành dầu khí của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản.

Đối với thị trường xăng dầu trong nước, liên tục trong các kỳ điều chỉnh gần đây chúng ta đều chứng kiến sự sụt giảm giá dầu mạnh mẽ chưa từng có trong nhiều năm qua. Qua 8 lần điều chỉnh hạ giá liên tiếp, giá xăng từ gần 20.000 đồng/lít hồi đầu năm đã xuống mức tiệm cận con số 10.000 đồng. Cụ thể, ở lần điều chỉnh thứ 8 từ 15h ngày 28/4, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 11 năm qua kể từ tháng 3/2009. Hiện tại, giá bán lẻ xăng tại Việt Nam đang rẻ thứ 2 ở khu vực ASEAN, chỉ sau Malaysia, và thấp thứ 20 trên thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, cú sốc giá dầu thô của Mỹ rơi xuống mức âm đã khiến một loại hàng hóa đáng tin cậy mất giá. Mặc dù vậy, việc giá nhiên liệu rẻ có thể hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đối với Việt Nam, tác động từ việc giá dầu giảm sâu bao gồm cả yếu tố tiêu cực và tích cực.

Việt Nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu từ năm 2015 đến nay. Vì thế, việc giá dầu giảm là yếu tố tích cực giúp chúng ta tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ khi giảm nhập siêu. Giá nhiên liệu giảm đem lại lợi ích cho ngành giao thông vận tải với chi phí xăng dầu chiếm gần 40% tổng chi phí. Bên cạnh đó, các ngành sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm đều có chi phí vận chuyển cao, lĩnh vực sản xuất sử dụng nguyên liệu từ công nghiệp hóa dầu, ngành khai thác và đánh bắt thủy hải sản, vật liệu xây dựng, công trình giao thông, sản xuất nhiệt điện khí, chất đốt, dịch vụ điện nước... cũng được hưởng lợi. Về yếu tố tiêu cực, giá dầu khai thác của Việt Nam hiện cao hơn so với giá dầu thế giới nên giải pháp được tính đến là đóng bớt mỏ có công suất yếu, tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu để cứu tình trạng dư cung.

Như vậy, có thể thấy rõ việc giá dầu thế giới giảm có cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Nếu biết khéo léo tận dụng cơ hội cũng như vượt qua thách thức, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá dầu. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp hiện nay chưa nhiều vì sức tiêu thụ xăng dầu trên thị trường còn yếu do dịch bệnh COVID-19 chưa hoàn toàn kết thúc.


Giá dầu WTI lao dốc 25#phantram Giá dầu WTI lao dốc 25#phantram

VTV.vn - Trong phiên giao dịch đêm 27/4 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI tiếp tục chứng kiến một phiên lao dốc mạnh khi mất tới gần 25% do những lo ngại về sự dư thừa nguồn cung.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước