Tác động kinh tế từ căng thẳng Mỹ - Iran

Anh Phương (PV THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 17/10/2017 09:41 GMT+7

Ảnh minh họa: PBS Newshour

VTV.vn - Ngoài nỗi lo về an ninh, việc Mỹ không công nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đặt ra câu hỏi lớn về tác động đối với nền kinh tế khu vực Trung Đông và thế giới.

Nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đang là câu chuyện quốc tế được quan tâm hàng đầu những ngày này.

Iran hiện đang cung ứng ra thị trường thế giới khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Theo các đánh giá, nếu được đầu tư đúng mức, sản lượng nước này có thể cung ứng sẽ lên tới 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trước các diễn biến căng thẳng Mỹ - Iran, giá dầu Brent trong phiên giao dịch đầu tuần đã tăng 1,2%.

Hiện giá dầu đang được dao động xung quanh mức 57 USD/thùng. Tờ Gulf News của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhận định giá dầu có thể tiến tới mốc 60 USD/thùng trong một vài tháng tới.

Giá dầu có thể sẽ đạt tới mức 60 USD/thùng trong một vài tháng tới. Vậy nhưng sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran có thực sự đáng lo ngại? Giá dầu có thể sẽ vượt quá mốc 60 USD/thùng để chạm những mức đỉnh mới? Câu trả lời của giới chuyên gia lại là "không".

Tác động kinh tế từ căng thẳng Mỹ - Iran - Ảnh 1.

Báo Arab News của Saudi Arania cho biết, các lệnh cấm vận phương Tây áp đặt lên Iran hồi trước năm 2015 đã khiến sản lượng dầu quốc gia này cung cấp ra thị trường thế giới bị hạn chế khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Vậy nhưng tình thế hiện nay đã không còn như xưa nữa. Nếu lại cấm vận, nhiều khả năng sẽ chỉ còn Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran, còn các nước châu Âu đang cho thấy rõ họ không hưởng ứng bước đi này.

Trong khi đó, theo báo The National (UAE), hiện lượng dự trữ dầu của thế giới lại còn khá lớn. Như các nước có nền công nghiệp phát triển thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), lượng dự trữ dầu đang cao hơn mức trung bình 5 năm tới 170 triệu thùng dầu.

Những tác động về mặt kinh tế là rõ ràng hơn đối với các công ty đã và đang muốn làm ăn với Iran. Iran, một đất nước đã chịu bế quan tỏa cảng trong một thời gian dài, có quá nhiều hạng mục cần đầu tư. Vậy nên sau khi các lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ, một loạt các công ty đã đổ xô vào đây. Nhiều hơn cả là các công ty đến từ châu Âu và Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, Liên minh châu Âu hiện đã âm thầm tính tới các biện pháp bảo vể các công ty của mình khỏi sức ép từ các lệnh cấm vận của Mỹ. Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Mỹ từ tháng 9/2017 đã tuyên bố nếu mà kịch bản như vậy xảy ra, châu Âu sẽ không chần chừ gì trong hành động để bảo vệ lợi ích của các công ty của mình.

Ở một góc nhìn tích cực, nhiều công ty của châu Âu hay Trung Quốc còn cho rằng họ không có gì đáng lo ngại nếu Mỹ một lần nữa áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran, thậm chí là ngược lại. Một thị trường mà giờ không còn phải lo cạnh tranh với các công ty của Mỹ nữa thì còn gì dễ chịu hơn. Đó là một số nhận định của các trang báo tại Trung Đông trong những ngày qua khi viết về chủ đề này.

IEA: Nguy cơ mất ổn định nguồn cung và giá dầu do đầu tư yếu IEA: Nguy cơ mất ổn định nguồn cung và giá dầu do đầu tư yếu Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran? Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran? Chính quyền Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran Chính quyền Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước