"Tắc đường" tại cửa khẩu, hơn chục nghìn lái xe "ăn chực nằm chờ"

Vấn đề hôm nay-Thứ năm, ngày 16/12/2021 06:19 GMT+7

VTV.vn - Gần 5.500 xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh... phần lớn hàng hóa nằm chờ đều là thủy sản đông lạnh, hoa quả tươi, dễ hư hỏng.

Nếu tính trung bình mỗi xe có 1 lái chính, 1 lái phụ thì ít nhất cũng đang có hơn chục nghìn lái xe ăn chực nằm chờ tại các cửa khẩu. Chi phí xăng dầu để duy trì kho lạnh cho container hàng hóa có thể đến tiền triệu mỗi ngày. Chưa kể chi phí bến bãi, ăn uống sinh hoạt… rồi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở khu vực này cũng rất đáng lo ngại.

Như tại Lạng Sơn, chỉ trong một tuần, đã có thêm khoảng 1.000 xe hàng xuất khẩu đổ lên các cửa khẩu tại đây.

Việc thông quan chậm do các cơ quan chức năng của Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đây là vấn đề đã phía Trung Quốc thông báo trước.

Như cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm đã phải tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa từ ngày 8/12 do phía Trung Quốc phong tỏa thị trấn Ái Điểm, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây để xử lý dịch bệnh đã khiến hơn 700 xe hàng đang phải nằm chờ tại khu vực cửa khẩu Chi Ma.

Tính đến chiều ngày hôm qua (15/12), tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đã lên tới trên 4.300 xe hàng. Ngoài ra tại các bến bãi bên phía nước bạn hiện vẫn còn khoảng trên 1.000 xe nông sản xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch của Việt Nam chưa được giải tỏa.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Lạng Sơn là các bãi dừng chờ đã chật kín xe trong khi lượng xe hàng vẫn tiếp tục dồn lên các cửa khẩu của Lạng Sơn và chủ yếu vẫn là hàng nông sản xuất khẩu theo loại hình tiểu ngạch

Tắc đường tại cửa khẩu, hơn chục nghìn lái xe ăn chực nằm chờ - Ảnh 1.

Các lái xe đường dài đỗ chờ tại bãi lưu quan

"Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 14/12, trên địa bàn các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc còn tồn khoảng 6.200 xe đang nằm tại khu vực cửa khẩu để chờ xuất khẩu. Với năng lực thông quan hiện nay, nếu tính chung trên toàn bộ các tuyến biên giới phía Bắc để thông quan hết 6.200 xe, ước tính cần 15 – 20 ngày với điều kiện không đưa cá lô hàng khác lên các cửa khẩu",  Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết.

Theo ông Tuấn, Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp về kiểm soát hàng hoá từ Việt Nam như: kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch… Thông tin này đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, cơ quan hải quan thông báo… đến cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua khi số lượng ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng nhanh, Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp kiểm soát chặt hơn. Đặc biệt là tại một số cửa khẩu Trung Quốc còn dừng hẳn các hoạt động thông quan hàng hoá.

"Khi số các tỉnh giáp với Trung Quốc có số lượng ca mắc COVID-19 lên hàng trăm ca mỗi ngày, phía Trung Quốc gân như áp dụng các biện pháp rất chặt, dẫn đến hàng hoá ở cửa khẩu gần như là không xuất sang được", ông Tuấn cho biết. 

Ông Tuấn cho rằng cần tìm các tuyến vận chuyển khác thay thế như đi đường biển thay bằng đi đường bộ để giảm ách tắc. Nếu tất cả cứ dồn nên cửa khẩu đường bộ, với năng lực thông quan hạn chế của phía Trung Quốc hiện nay hàng hoá còn tiếp tục diễn ra việc ách tắc.

Năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 27%. Còn 11 tháng của năm nay, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam, đạt gần 8,4 tỷ USD rau quả chiếm 23%. Những con số này cho thấy bất kể những thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đều tác động không nhỏ tới thị trường của Việt Nam.

Tắc đường tại cửa khẩu, hơn chục nghìn lái xe ăn chực nằm chờ - Ảnh 2.

Cần một giải pháp đồng bộ để hạn chế việc ùn ứ container hàng hoá tại cửa khẩu

Trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã tổ chức 3 cuộc điện đàm trực tuyến và gửi 14 Công thư tới các cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm trao đổi các nội dung, khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.

Để giải quyết tình trạng trước mắt, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp nên chọn phương án tiêu thụ nội địa thay vì xuất khẩu. 

"Cần chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, như, Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Sai Gon Coopmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart...", ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nêu giải pháp.

Các giải pháp lâu dài bền vững nhất vẫn là việc chúng ta phải chuyển đổi hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch tức là mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu chính.

Cùng với đó người dân và doanh nghiệp phải cập nhật những thay đổ mới nhất về tiêu chuẩn giám sát an toàn thực phẩm của phía bạn sẽ có hiệu lực trong năm tới để tránh trường hợp bị gửi trả về.

Ngoài việc siết chặt các biện pháp phòng dịch khi thông quan hàng hóa, phía Trung Quốc đang đặt ra nhiều yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì… Theo đánh giá, đây không còn là một thị trường dễ tính nữa. So với thời điểm năm 2019 khi chưa bùng phát dịch COVID-19, lượng hàng thông quan qua 3 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay chỉ bằng 1/5.

Mới đây Trung Quốc đã có thông báo tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu đông lạnh trong 14 ngày trước và sau Tết nguyên đán 2022 qua đường cảng biển... Do đó doanh nghiệp và các địa phương cần chủ động trong việc lập kế hoạch xuất nhập khẩu để tránh bị động, điều tiết hàng từ xa và hạn chế đưa các phương tiện chở hàng lên cửa khẩu trong thời gian này.

Về lâu về dài thì các Bộ có liên quan cần có chính sách bài bản, vì nếu không kịch bản cũ luôn lặp lại, và người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là nông dân. Không thể cứ không xuất khẩu được là bán ở thị trường nội địa, và không thể cứ hàng nông sản bị ùn ứ là kêu gọi giải cứu. Bởi đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn kiểu "nóng đâu, phủi đó". 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước