Tái cơ cấu kinh tế trên cơ sở xây dựng sự đồng thuận xã hội

Mạnh Hùng-Chủ nhật, ngày 07/09/2014 21:06 GMT+7

Đây là chủ đề của Hội nghị Kinh tế toàn cầu đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Đây là lần đầu tiên hội nghị lựa chọn một nước châu Á để tổ chức với kỳ vọng sẽ tìm ra những đề xuất, giải pháp để giải quyết những vấn đề kinh tế quan trọng nhất toàn cầu qua sự thảo luận của hơn 700 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, hơn nửa thế kỷ qua hầu hết các quốc gia đã phát triển kinh tế trên một nền tảng gây suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, trong khi lại tạo ra sự thiếu công bằng về phân phối thu nhập, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội...

Thực tế này cho thấy, tái cơ cấu kinh tế không thể thành công nếu thiếu một sự chuyển đổi về mặt xã hội. Do vậy, các câu hỏi lớn cho Hội nghị năm nay là làm thế nào để gắn kết sự đồng thuận xã hội với phát triển kinh tế, tăng cường an sinh xã hội, làm cho sự di dân có lợi cho người di cư và nước nhập cư và đặc biệt là các cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ làm biến đổi nền giáo dục thế giới như thế nào?

Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hội nghị Kinh tế thế giới với 2 diễn giả đến từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổ hợp Công nghệ giáo dục TOPICA. Vấn đề mà diễn giả Việt Nam đề cập tại hội nghị lần này là an sinh xã hội để phát triển kinh tế và những cơ hội mà giáo dục trực tuyến sẽ giúp các trường đại học ở Đông Nam Á nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo trong tương lai.

Các diễn giả quốc tế bàn tới sự bùng nổ kỹ thuật số sẽ giúp các khoá học trực tuyến tạo ra cuộc cách mạng đột phá trong giáo dục. Đó là sự thay đổi về phương thức dạy, phương pháp sư phạm và công nghệ kỹ thuật sẽ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, đúng quy trình với số lượng người học ở quy mô rất lớn. Thậm chí nhiều diễn giả còn cho rằng, học trực tuyến trong tương lai sẽ đe dọa sự tồn tại và thống lĩnh bấy lâu nay của cách giáo dục truyền thống.

Giáo sư Joseph Stiglitz, Giải Nobel Kinh tế 2001 nói: “Tôi cho rằng đào tạo trực tuyến sẽ ngày càng quan trọng. Nó cho phép sinh viên ở các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi tiếp cận được với các giảng viên giỏi nhất của thế giới. Khi đó các tiết học ở giảng đường lớn sẽ do đào tạo trực tuyến cung cấp, còn các giảng viên sẽ tập trung vào giảng dạy nhóm nhỏ. Giống như Internet đã mở ra thế giới tri thức cho hàng trăm triệu người, thì đào tạo trực tuyến sẽ mở ra các xu thế mới trong giáo dục”.

Thực tế tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, đào tạo trực tuyến không chỉ giúp làm giảm chi phí học tập, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các cấp học với chất lượng cao mà còn giúp giảm chi phí đầu tư xã hội cho giáo dục, cho xây dựng hạ tầng. Và đặc biệt là cho chính bản thân các trường đại học khi không cần phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất như giảng đường, chỗ ăn ở đi lại cho sinh viên.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước