Ngoài động thái của FED, trong tuần qua, một trong những thông tin đáng chú ý không kém là sự lao dốc của các loại tiền số.
Giá Bitcoin - đồng tiền số lớn nhất thế giới, lại tiếp tục lao dốc và đang ở ngưỡng 20.000 USD. Theo một thống kê, tổng tài sản của 7 tỷ phú tiền số giàu nhất thế giới cuối năm 2021 đạt 145 tỷ USD, nhưng đến nay, số tiền của cả 7 tỷ phú cộng lại chỉ còn khoảng hơn 30 tỷ USD. Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, mức giảm này tương đương gần 80%.
Giới tài chính cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có những biến động ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu, đồng tiền số cũng không phải là ngoại lệ.
Cơn sốt tiền điện tử đã giúp Changpeng Zhao, Sam Bankman-Fried, Mike Novogratz và một số người khác sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD. Sau 1 năm được ghi nhận là những gương mặt mới của giới siêu giàu toàn cầu, nay họ lại đang chứng kiến khối tài sản của mình "bốc hơi" với tốc độ chóng mặt.
Tỷ phú Changpeng Zhao. (Ảnh: Bloomberg)
Cách đây 2 tuần, phóng viên VTVMoney đã có cuộc trao đổi với tỷ phú Changpeng Zhao, người sáng lập Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần trôi qua, khối tài sản khổng lồ hơn 60 tỷ USD đã bị "thổi bay" 50 tỷ USD, tức đã giảm tới hơn 80% trên bảng xếp hạng của Bloomberg.
"Tài sản lên xuống chóng mặt như tiền ảo. Ông nào bệnh tim, huyết áp cao không nên tham gia lĩnh vực này", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Đối với mình, Bitcoin hay tiền số nói chung chỉ như cam kết miệng với nhau và giá trị như kiểu lan đột biến", một tài khoản khác bày tỏ.
"Tôi nghĩ đã là ảo thì không có giá trị thật, nên những người chơi ngay từ đầu họ đã biết đã hiểu, họ phải chấp nhận cái sự bấp bênh không có thật của đồng tiền này", một tài khoản khác nêu quan điểm.
"Họ giảm thôi chứ có cháy đâu! Lúc lên lúc xuống là quy luật của thị trường thôi mà", một tài khoản khác cho hay.
Theo giới chuyên gia, thị trường tài chính toàn cầu đang bị ảnh hưởng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác có kế hoạch tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Việc này càng khiến tác động tới tiền số. Những biến động mạnh vừa qua qua cũng được xem là một đợt "sát hạch" cho những người ủng hộ tiền điện tử.
"Tôi nghĩ, thực ra khi có 1 người mất tiền thì phải có 1 người được tiền. Dòng tiền của người thắng rút ra khỏi thị trường mà không có dòng tiền của người mới đổ vào thì thanh khoản bị mất đi. Khi thanh khoản mất đi thì thị trường đi xuống", một tài khoản bình luận.
"Mỗi thời kỳ của nhân loại sẽ có một loại hình kinh doanh hay công nghệ mới ra đời và trở thành điểm nóng thu hút mọi người. Chỉ là người tham gia phải hết sức cận trọng và có hiểu biết trước khi đổ tiền đầu tư.Cái gì cứ lên nhanh thì cũng xuống chóng mà thôi", một tài khoản khác nói.
Giá trị của tiền ảo tăng nhanh đồng nghĩa với việc nó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và dễ bay nhanh như cách người ta tạo ra nó. Còn những tỷ phú tiền thật và theo đuổi trường phái đầu tư giá trị không phải họ không từng mắc kẹt trong việc tài sản sụt sồi theo quy luật thị trường, nhưng họ sẽ có những chiến lược phát triển theo chân giá trị và từ đó phần nào né tránh được các cơn bão của thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!