Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt mãi không "lớn" được?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 25/06/2017 15:06 GMT+7

VTV.vn - Còn rất nhiều rào cản kinh doanh đang cản trở hoạt động kinh doanh của DN là cảnh báo được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã trăn trở rằng, số lượng doanh nghiệp tăng lên rất nhanh những năm gần đây nhưng đóng góp trong GDP không tăng tương ứng.

Và một trong các lý do dẫn đến tình trạng này chính là việc các doanh nghiệp đang còn gặp rất nhiều cản trở khi hoạt động kinh doanh. 

Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt mãi không lớn được? - Ảnh 1.

Tại sao lại cấm thương nhân ký hợp đồng thương mại khi nông dân đang rất cần bán gạo và trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn?

Như mới đây nhất là Công văn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo từ ngày 6/6/2017 đến khi 2 Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, Hiệp hội cho biết sẽ báo cáo Bộ Công Thương các trường hợp vi phạm được phát hiện để bộ này xem xét, xử lý theo quy định.

Song một điều rất khó hiểu cho hành động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là: Tại sao lại cấm thương nhân ký hợp đồng thương mại khi nông dân đang rất cần bán gạo và trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn?

Và trước sự phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội này vừa có văn bản cho phép các thương nhân được ký hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo.

Trước đó, sự việc chính quyền huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) phát loa bêu xấu doanh nghiệp, trong khi dự án của doanh nghiệp đã được phê duyệt, được cấp phép xây dựng, cũng là một ví dụ tiêu biểu cho những rào cản mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện.

Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt mãi không lớn được? - Ảnh 2.

Tờ Diễn đàn doanh nghiệp đã khẳng định chính quyền địa phương đã lạm quyền khi phát loa bêu xấu doanh nghiệp

Tờ Diễn đàn doanh nghiệp đã khẳng định, trong trường hợp này, chính quyền đã lạm quyền. Đỉnh điểm là việc chính quyền cho xe chở loa đi tuyên truyền về các sai phạm của chủ đầu tư, rồi ra văn bản yêu cầu điện lực, công ty nước sạch cắt dịch vụ, cấm xe chở vật tư đến công trình…

Theo thống kê, 14% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có sự trùng lặp trong thanh, kiểm tra. Có doanh nghiệp tuần trước Chi cục thuế vừa vào, tuần sau Cục thuế lại vào kiểm tra. Dù có nhiều chính sách, nghị quyết, nhưng điểm yếu lớn nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn rất lớn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước